"Crimea sáp nhập vào Nga là do giới chức Ukraine chậm chễ"
Phát biểu trên kênh truyền hình 12 Ukraine, nghị sĩ Ukraine Sergey Kunitsyn tiết lộ, ông từng xem xét vấn đề mở rộng các quyền ủy thác cho chính quyền Crimea và khả năng quay trở lại Hiến pháp năm 1992 để ngăn chặn việc bán đảo sáp nhập vào Liên bang Nga trong năm 2014.
"Tôi đã tới gặp Turchinov nói là ngay lập tức phải triệu tập các đại biểu Quốc hội, mở rộng mọi quyền ủy thác cho chính quyền Crimea, thông qua ngay trong lần đọc dự thảo thứ nhất, quay trở lại luật pháp năm 1992 vì chính quyền "hậu Maidan" đang còn yếu, cần có thêm thời gian và vô hiệu quả các cuộc trưng cầu dân ý", ông Sergey Kunitsyn chia sẻ.
"Đó là trao cho Crimea mọi thứ, ngoại trừ chủ quyền để kéo dài thời gian", ông cho biết.
Theo nghị sĩ này, Kiev "đã chậm mất một tuần" vì không chọn được ai là người đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề này.
Sputnik đưa tin, theo Hiến pháp năm 1992, cộng hòa Crimea là một nhà nước nằm trong thành phần Ukraine. Mối quan hệ giữa hai bên sẽ được xác định trên cơ sở các hiệp ước và hiệp định. Crimea có tất cả các quyền hạn trên lãnh thổ của mình ngoại trừ những quyền ủy thác mà Crimea tự nguyện trao cho Ukraine.
Ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ làm việc là tiếng Nga và nước cộng hòa này có thể độc lập quan hệ với các quốc gia khác.
Tháng Ba năm 1995, Quốc hội Ukraine đã bãi bỏ Hiến pháp năm 1992 và chức vụ tổng thống Crimea.
Crimea đã tách khỏi Ukraine và gia nhập vào Liên bang Nga vào ngày 17/3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Ukraine, cũng như cộng đồng quốc tế, đã không thừa nhận động thái này, với việc Kiev hiện vẫn coi Crimea là một lãnh thổ bị chiếm đóng.
Trong khi đó, giới chức Nga nhiều lần khẳng định, người dân Crimea đã quyết định sáp nhập vào Nga trong một tiến trình dân chủ và rằng cuộc trưng cầu dân ý này được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo