CSGT Hải Dương “cầu cứu” vì quốc lộ 5 xuống cấp
Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67-Công an tỉnh Hải Dương), quốc lộ 5A đi qua địa phận tỉnh Hải Dương dài 44,110 km (từ km33+720 đến km77+830), đi qua các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Kim Thành và TP Hải Dương. Đây là tuyến giao thông huyết mạch có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn.
Quốc lộ 5A đã được đưa vào khai thác sử dụng từ lâu, sau nhiều lần sửa chữa nâng cấp, nhưng đến nay cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp, nhiều đoạn ở mặt đường trồi lún ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Hiện nay, toàn bộ hệ thống biển báo sử dụng trên toàn tuyến quốc lộ 5A được thực hiện theo quyết định số 332/QĐ-TCĐBVN ngày 26/4/2014 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Tuy nhiên, hệ thống biển báo trên quốc lộ 5A đã không còn đảm bảo với quy chuẩn 41:2016/BGTVT của Bộ GTVT quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ dẫn đến việc người vi phạm khi bị xử lý đã khiếu nại gây khó khăn trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; Vạch sơn phân làn đường do quá trình sử dụng đã bị mờ, một số đoạn do quá trình thi công cào bóc nhưng không được khôi phục nguyên trạng đã ảnh hưởng đến TTATGT.
Trước thực trạng trên, CSGT tỉnh Hải Dương đề nghị Vidifi tiếp tục khắc phục những vị trí mặt đường bị trồi lún và thảm lại mặt đường để đảm bảo cho người tham gia giao thông đi lại được an toàn; Sơn lại vạch sơn kẻ đường theo đúng quy chuẩn 41:2016 của Bộ GTVT; Bổ sung, thay thế hệ thống biển báo trên toàn tuyến theo đúng quy chuẩn 41:2016 của Bộ GTVT.
Từ phản ánh trên, phóng viên Dân trí đã đi thực tế kiểm tra tình trạng xuống cấp của tuyến quốc lộ 5A. Theo ghi nhận, rất nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ này (khu vực thuộc địa phận 2 tỉnh: Hưng Yên và Hải Dương) bị xuống cấp ở các hạng mục khác nhau, như: Mặt đường nhiều chỗ bị hằn lún vệt bánh xe, mặc dù đơn vị quản lý đã cho máy cào phẳng xuống nhưng những vết rãnh cào này lại vô tình thành “cái bẫy” đối với phương tiện 2 bánh; nắp bê tông đạy cống thoát nước bên đường nhiều chỗ bị gãy, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT; vạch sơn phân làn đường rất nhiều đoạn bị mờ; hàng rào sắt dải phân cách giữa nhiều chỗ bị hỏng, người dân tự do đi lại sang đường; hệ thống biển báo không còn phù hợp với quy chuẩn 41:2016 của Bộ GTVT,…
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, một đại diện của Tổng Công ty phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi – đơn vị quản lý quốc lộ 5) – cho biết: Quốc lộ 5A được làm từ năm 1998, đến nay đã 20 năm nhưng chưa được đại tu lần nào, mới chỉ trung tu một vài lần ở lớp mặt đoạn qua địa phận TP Hải Phòng (Theo quy định nhà nước, cứ 4-5 năm phải trung tu rải lại lớp mặt, 12-15 năm phải đại tu và làm lại cả phần móng).
Vị đại diện Vidifi cho biết thêm, đến tháng 1/2016, đơn vị này mới tiếp nhận quản lý quốc lộ 5A, do đó, đã có tới 18 năm tuyến đường này chưa được làm lại và đang ở trạng thái xuống cấp.
Trước thực trạng này, Vidifi đã phải thuê một đơn vị tư vấn khảo sát lại toàn bộ để đưa ra lộ trình sửa chữa, nhưng đang gặp khó khăn về nguồn vốn.
“Chúng tôi đã lập dự án và dành khoảng 800 tỷ đồng để sửa chữa, duy tu tuyến quốc lộ 5A. Dự án này chúng tôi đã trình lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong năm nay chúng tôi sẽ triển khai thực hiện. Chúng tôi sẽ ưu tiên sửa chữa một cách đồng bộ, căn cơ từ mặt đường, vạch sơn, biển báo, hàng rào phân cách,…cho 30km đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương (từ km46 đến km76-pv). Còn đoạn địa bàn tỉnh Hưng Yên, những chỗ hỏng nặng chúng tôi sẽ cho xử lý trước để đảm bảo an toàn giao thông” – vị đại diện Vidifi cho biết.
Đại diện Vidifi chia sẻ thêm, thi công sửa chữa trên quốc lộ 5A không thể thực hiện nhanh được vì lượng phương tiện lưu thông hàng ngày rất cao, phần lớn phải làm vào ban đêm. Do đó, trước mắt, Vidifi sẽ thực “vá” các đoạn dải phân cách bị hỏng do tai nạn hoặc do người dân tự tháo; sơn lại vạch phân làn đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; rà soát những chỗ mặt đường bị hỏng nặng sẽ cho xử lý ngay để đảm bảo an toàn giao thông; riêng 30km đi qua địa phận tỉnh Hải Dương nói trên sẽ được ưu tiên làm đồng bộ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo