CTCK nhận định thị trường ngày 30/10
Nên duy trì trạng thái danh mục
(CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS)
Chỉ số VN-Index đã phản ứng với mốc hỗ trợ kỹ thuật 495 điểm. Mức độ biến động giá của chỉ số chung trong phiên không nhiều do áp lực cung giá thấp tại ngưỡng hỗ trợ khá hạn chế, dù lực cầu còn thận trọng trong quyết định đẩy giá lên.
Khối lượng mua tăng dần vào gần cuối phiên, đến từ NĐT trong nước và nước ngoài, từ đó lan sang thị trường chung.
Nhóm cổ phiếu beta cao, kỳ vọng được hỗ trợ từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, xử lý nợ xấu... tiếp tục thu hút dòng tiền.
Tại sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng tăng điểm trở lại, phản ứng với mốc hỗ trợ kỹ thuật 61 điểm. Cột nến biểu thị giá là cột nến hammer, cho tín hiệu bước đầu về lực cầu bắt đáy.
Diễn biến thị trường phản ứng với ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật có thể tiếp nối trong phiên giao dịch ngày 30/10.
Tuy nhiên với thực tế lực mua vào còn thận trọng, xu hướng điều chỉnh tích lũy của thị trường dự kiến chưa kết thúc.
Chúng tôi duy trì quan điểm mức độ điều chỉnh của thị trường chung không nhiều với mốc hỗ trợ kỹ thuật khá mạnh là khoảng 490-495 điểm đối với VN-Index, 60.5-61 điểm đối với HNX-Index. Nhà đầu tư nên duy trì trạng thái danh mục, có thể xem xét tái cơ cấu danh mục theo hướng chuyển sang cổ phiếu cơ bản tốt, được dòng tiền quan tâm.
Tránh mua đuổi giá
(CTCK FPT - FPTS)
Thị trường đi vào giai đoạn lình xình và thiếu động lực khi mà không còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu bluechips, trong phiên 29/10, giao dịch của thị trường là khá ảm đảm, trong khi đó động thái mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã hạ nhiệt, kéo theo tâm lý thận trọng của đa phần nhà đầu tư.
Về yếu tố nội tại đã mất đi nhiều tính bất ngờ, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang dần được công bố, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của thông tin đến giá cổ phiếu đã đến giai đoạn bão hòa.
Dòng tiền đang cho thấy sự thận trọng nhất định, vì vậy mà sự phân hóa giữa các cổ phiếu trong những phiên tới có thể sẽ mạnh hơn.
Mặc dù vẫn có nhiều yếu tố tích cực đang ủng hộ cho thị trường nhưng chúng tôi cho rằng, thị trường vẫn cần một nhịp điều chỉnh và tích lũy thực sự để có thể củng cố mặt bằng giá mới trước khi có thể tiếp tục đi lên các mốc điểm cao hơn nữa.
Theo đó, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm duy trì sự thận trọng nhất định, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu hợp lý, tránh mua đuổi giá và việc tìm kiếm cơ hội đầu tư nên hướng đến những cổ phiếu cơ bản tốt, có giá đã điều chỉnh hoặc chưa tăng nhiều trong giai đọan vừa qua.
Có thể tích lũy cổ phiếu cho mục đích lướt sóng
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Thị trường phiên 29/10 trải qua diễn biến giằng co trong biên độ hẹp.
Lượng cầu vào các cổ phiếu penny tiếp tục suy yếu trong khi nhóm bluechips và mid cap đứng giá hoặc giảm nhẹ.
Không có giao dịch nào thật sự đột biến ngoại trừ một đợt hồi phục nhẹ của thị trường về cuối phiên giao dịch. Thanh khoản tiếp tục xu hướng sụt giảm khi chỉ có 57 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.
Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư đã tỏ ra thận trọng hơn sau ba phiên giảm điểm liên tiếp của chỉ số VN-Index.
Trong bối cảnh hiện tại không có nhiều thông tin kinh tế thật sự nổi bật có thể tác động mạnh tới xu thế thị trường. Điểm tích cực là chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì, ít nhất là đến giữa quý I/2014 do hiện tại các chỉ số kinh tế Mỹ vẫn chưa tích cực như kỳ vọng và nhiều khả năng sẽ chưa có sự thay đổi nào về mặt chính sách khi ông Bernanke còn tại nhiệm (nhiệm kỳ của ông Bernanke sẽ kết thúc vào giữa tháng 1 năm sau).
Điều này có thể là một trong những nguyên nhân lý giải dòng vốn đầu tư chảy vào TTCK Việt Nam thông qua các quỹ ETF thời gian gần đây khá mạnh mẽ.
Bức tranh kinh tế trong nước vẫn đang trong xu hướng hồi phục chậm. Những thông tin gần đây liên quan đến việc VAMC rốt ráo mua nợ xấu, sự ấm dần lên của thị trường bất động sản hay
chủ trương tăng chi đầu tư phát triển trong năm 2014 chủ yếu vẫn chỉ là những thông tin mang tính kỳ vọng. Tác động thực tới nền kinh tế chưa thật sự rõ nét và phần nhiều sẽ chỉ được phản ánh trong trung hạn.
Về chiến lược đầu tư, rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn đang tăng dần khi thị trường đang thiếu nhóm cổ phiếu làm động lực dẫn dắt. Nhà đầu tư vẫn có thể xem xét tích lũy dần cổ phiếu cho mục đích lướt sóng ngắn hạn khi chỉ số VN-Index chạm các ngưỡng hỗ trợ 497-498 điểm hoặc 490-491 điểm nhưng chỉ nên giao dịch với một tỷ trọng ở mức trung bình thấp.
Xu hướng ngắn hạn chưa có dấu hiệu kết thúc
(CTCK Dầu khí - PSI)
Phiên 29/10, khối ngoại bán ròng nhẹ 1,6 triệu đơn vị trên HOSE, khả năng việc bán ròng xuất phát từ quỹ etf FTSE Vietnam UCITS khi quỹ này bị rút đi gần 300 ngàn đơn vị CCQ.
Thời gian gần đây 2 quỹ etfs ở thị trường Việt Nam có diễn biến trái chiều. V.N.M vẫn huy động được thêm vốn với dòng tiền ròng chảy vào hơn 13,3 triệu USD tính trong tháng 10. Trong khi đó các quỹ đóng và NĐTNN khác hầu như không có các giao dịch mang tính thoái vốn.
Trong ngắn hạn, xu hướng điều chỉnh của thị trường chưa có dấu hiệu kết thúc khi thanh khoản yếu dần trong các phiên phục hồi, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, thị trường chưa có cơ sở để kỳ vọng một đợt điều chỉnh mạnh.
Chúng tôi duy trì đánh giá dao động điều chỉnh của VN-Index ở khung 488 - 505 điểm theo hướng dao động giảm nhẹ, đồng thời đánh giá rủi ro cao với các cổ phiếu mang tính đầu cơ hoặc có hệ số beta cao, có yếu tố cơ bản không tích cực.
Vẫn tập trung nhiều vào các mã đầu cơ
(CTCK MB - MBS)
Thị trường phiên 29/10 đi ngang khi cả VN-Index và HN-Index cùng kết thúc gần tham chiếu; thanh khoản ở mức trung bình.
Cả hai chỉ số tiếp tục giằng co trong vùng kháng cự trung hạn.
Thị trường vẫn đang tiếp tục tập trung nhiều hơn vào các cổ phiếu đầu cơ.
Khó có khả năng lực cầu có sự đột biến
(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)
Như vậy, sau 3 phiên giảm liên tiếp, chỉ số VN-Index đã tăng trở lại đầy bất ngờ.
Với phiên giảm điểm hôm 28/10 đã khiến cho thị trường trở nên e dè, giao dịch khá trầm lắng đáng lo ngại.
Những tưởng thị trường sẽ có thêm hành động bán mạnh về cuối giờ giao dịch, nhưng sự bất ngờ lại đến. Nhiều lệnh mua bất ngờ quay lại đã giúp chỉ số tăng vọt và có thể điều này nhất thời khiến cho nhiều nhà đầu tư bất ngờ và hưng phấn.
Thị trường đang tạo cho nhà đầu tư khá nhiều cảm xúc và thay đổi trạng thái liên tục.
Đây không phải là giai đoạn thích hợp cho nhà đầu tư theo trường phái thận trọng, mà là của nhà đầu tư ưa mạo hiểm, lướt sóng, nhanh nhẹn với thị trường.
Cho dù thị trường đã tăng trở lại, nhưng chúng tôi cho rằng, sẽ khó có khả năng lực cầu có sự đột biến vào phiên 30/10. Do đó, phiên tăng 29/10 chủ yếu chỉ mang tính chất hãm đà giảm trở lại hơn là tăng lên để bên bán bán ra giá cao.
Vẫn có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu bluechips
(CTCK Rồng Việt - VDSC)
Lực cầu cuối phiên là điều bất ngờ với thị trường. Khi giao dịch không sôi động như một vài phiên trước đó đi kèm tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường có xác suất giảm khá cao. Tuy nhiên, sự phục hồi bất ngờ từ một vài cổ phiếu bluechips và midcaps đầu cơ giúp niềm tin trở lại và bên mua nhanh chóng chiếm lại ưu thế.
Trong phiên 30/10, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ giao dịch quanh biên độ hẹp 495 - 497 điểm khi sự lưỡng lự cũng như giằng co tăng lên. Nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu bluechips tốt.
Chưa chắc đợt điều chỉnh đã thực sự chấm dứt
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Sau 3 phiên giảm điểm liên tục, thị trường dần dần hồi phục vào phiên chiều ngày 29/10 và nỗ lực đóng cửa xanh điểm, nhích nhẹ lên 0,1%.
Có thể nói, khi thị trường quay đầu tăng trở lại, dòng tiền tập trung hơn vào các mã vốn hóa nhỏ hơn, hơn là các mã vốn hóa cao.
Khối lượng giao dịch trên thị trường xuống xấp xỉ 50 triệu cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình giao dịch trong 50 ngày (53 triệu).
Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 1,7 triệu cổ phiếu, trong đó họ bán ròng rất mạnh ITA (2,8 triệu). Như vậy, trong hai phiên đầu tuần, khối ngoại đã bán ròng khoảng 4,5 triệu cổ phiếu. Nhìn sâu hơn, số lượng bán ròng này không gây áp lực mạnh lên thị trường. Phiên trước họ bán chủ yếu tại NHW (thỏa thuận) và phiên 29/10 họ bán chủ yếu tại ITA.
Với phiên tăng điểm đầu tiên kèm khối lượng thấp, chúng tôi chưa chắc chắn được rằng đợt điều chỉnh đã thực sự chấm dứt hay chưa. Sẽ đáng tin hơn nếu phiên tăng điểm được tiếp nối bằng phiên nhắc lại, cho thấy lực mua có đà hơn.
Vẫn nằm trong kịch bản đi ngang
(CTCK BIDV - BSC)
Thị trường ngày 29/10 đã có phản ứng hồi phục tại vùng hỗ trợ quanh mức 495 điểm, tuy nhiên khối lượng giao dịch không cao phản ánh đà phục hồi chưa thực sự chắc chắn.
Chúng tôi vẫn giữ quan điểm nhận định từ đầu tuần, thị trường vẫn nằm trong kịch bản đi ngang.
Thời điểm hiện tại thị trường vẫn sẽ lình xình với biên độ giao động thấp (có thể tăng giảm vài điểm).
Khó có thêm phiên khởi sắc
(CTCK Rồng Việt - VDSC)
Sau hai phiên lùi bước, phiên 29/10, thị trường đã quay lại tăng điểm nhờ vào nỗ lực tăng giá của hàng loạt cổ phiếu chỉ vào những phút cuối của phiên giao dịch.
Dù khối ngoại đã quay lại mua ròng sau phiên bán ròng ngày hôm qua nhưng thanh khoản giảm sút khiến chúng tôi lo ngại về đà tăng chưa thực sự bền vững.
Một phiên tăng điểm chưa đủ thuyết phục để chúng tôi tin tưởng rằng thị trường sẽ tiếp tục có thêm những phiên khởi sắc trong thời gian tiếp theo nếu không có thông tin hỗ trợ nào được công bố.
Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ không điều chỉnh sâu và các chỉ số sẽ dao động trong biên độ hẹp trước khi định hình được xu hướng rõ ràng hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo