Cụ bà 110 tuổi có trăm con cháu ở Việt Nam
Lệ cũ ở làng, khi bà bước vào tuổi lục tuần mấy người con đã gom tiền mua một khúc bồ đề chuẩn bị sẵn hậu sự. Nửa thế kỷ trôi qua, khúc bồ đề ngày nào đã về miền vĩnh viễn mà bà ở cái tuổi 110 vẫn như cây đại thụ sừng sững giữa trời đất với trăm cành là đám con, cháu, chắt, chút.
Chín lần sinh
Bà vẫn còn nhớ rõ thời điểm cái làng Dùng thuộc tổng Mộ Chu, huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên quê mình hồi Pháp thuộc được đổi thành tên thành Hòa Loan (xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).
Bà vẫn còn nhớ rõ đận đi phu cho Tây ở bốt Toa đen đồn Bạch Hạc, lúc Nhật bắt người làng phải nhổ lúa trồng đay và trận đói năm 1945 nhiều người nhá thân ngô, thân sắn mà vẫn chết như ngả rạ. Chẳng khác gì pho sử của làng, bà chứng kiến những biến cố, thăng trầm vắt qua hai thế kỷ.
Bà là Dương Thị Chạo. Lấy chồng năm 19 tuổi, đẻ một mạch sáu đứa con mà bà chẳng nuôi dưỡng được đứa nào. Một lần đi xem tử vi, ông thầy giương đôi mắt mờ đục như long nhãn nhìn về phía vô định rồi phán: “Số của bà nếu không nuôi con nuôi sẽ không nuôi được con đẻ”.
Chẳng biết lời thầy bói đúng hay sai nhưng từ khi nhận nuôi một đứa trẻ cầu bơ cầu bất thì đứa con thứ bảy rồi đứa con thứ tám của bà ăn khoai, nhá sắn mà lần lần lớn lên. Để rồi giờ đây, mỗi khi giỗ chạp riêng người trong nhà cũng xếp kín hai mươi mâm cỗ, mỗi khi Tết về phát lộc cho con cháu, chắt, chút tải bỏng ngô cũng chỉ đủ cho mỗi đứa vài ba hột.
Nếu giải mã tuổi thọ 110, về công việc thì cuộc đời bà là một chuỗi những ngày cực nhọc. Năm 1949, Hòa Loan là vùng địch tạm chiếm, Pháp đóng đồn bốt ruồng bố cách mạng gắt gao. Ngày bà đi làm ruộng, đi kiếm củi, tối lại xay thóc, giã gạo thuê.
3.000 - 4.000 chày mới xong một mẻ giã, để thêm năng suất bà địu con đằng sau cho thêm nặng, cho đầm chày. Giã xong ba mẻ, nửa đêm bà về, trong ruột tượng có lưng bát cả tấm lẫn gạo nấu cháo cho con. Tính ra mỗi ngày bà chỉ ngủ không quá 4 - 5 tiếng.
Làm thuê, làm mướn, xay lúa, giã gạo, mò cua, bắt ốc, kiếm củi rồi đi phu thuê cho những người làng ngại việc… không việc gì cực nhọc không đến tay bà nhưng lạ nhất là nghề nhá cơm thuê. Các gia đình có điều kiện khi đó thường mướn những phụ nữ khỏe mạnh đến nhá cơm cho trẻ con với lượt công khi năm xu, bận một hào.
Chỉ cơm trắng với cục muối nướng (nước cơm trộn với muối bọc lá chuối nướng trên bếp rồi vo viên như quả trứng gọi là cục muối nướng - PV), bà phùng má nhá một lúc nửa bát rồi chun mồm như chim mớm mớm cho đứa trẻ.
Ruột gan dẫu có cồn cào nhưng lương tâm bà không bao giờ cho phép nuốt dù chỉ một hạt cơm hay chút nước cốt. Những đứa trẻ cứ lớn phổng, lớn phao nhờ cái mồm nhá cơm của bà giờ đã thành cụ già 80 - 90 tuổi.
Thỉnh thoảng họ lại nhắc con cháu rằng: “Tao được thế này nhờ ngày xưa có cụ Chạo nhá cơm đấy!”. Đông người tín nhiệm nên bà Chạo có lúc tê cả mồm, bại cả lưỡi, rỗng cả má vì nghiệp nhá cơm thuê.
Thời giặc tạm chiếm, bà Chạo lén đào hầm ngay trong nhà nuôi giấu cán bộ cho đến năm giải phóng Điện Biên. Sợ Pháp phát hiện ra hành động nghĩa tình này sẽ trả thù, anh em du kích đã kéo thằng con thứ bảy của bà khi đó còn trứng nước lên tít tận vùng tự do Lập Thạch.
Mật mã trường thọ
Nếu giải mã tuổi thọ 110, về chế độ ẩm thực, cơm mỗi bữa bà vẫn đều đều một lưng với tốc độ xúc thìa khiến cho nhiều người chứng kiến phải choáng váng: thoăn thoắt như máy khâu. Bà Chạo chỉ nhai cơm khi mồm đã thật đầy.
Ông Nguyễn Văn Thăng, người con thứ bảy của bà, giải thích đó là thói quen rơi rớt một thời của người nhá cơm thuê chuyên nghiệp, phải thật phồng má mới ngừng. Bà nghiện trầu từ trẻ, mà phải là trầu ăn kèm với thuốc.
Ngày nhai, đêm nhai, đến khi ngủ mồm bà vẫn còn nguyên miếng trầu ngậm. Giờ tuy răng không còn nữa nhưng cau tươi bà nhá bằng lợi, cau khô bà nhá bằng cối đâm, ngoài bữa cơm, không mấy khi miếng trầu dứt khỏi miệng.
Xưa đói kém ngô, khoai, sắn, giờ có điều kiện bà vẫn thích sắn, ngô, khoai. Bên mình bà lúc nào cũng có một túi ngô rang để thỉnh thoảng chế nước sôi vào cái bát ngâm cho hạt ngô thật mềm rồi nhỏ nhẻ ăn.
Ngoài ngô rang bà còn nghiện đáo để món nhắm rượu của đàn ông: đầu và chân, cổ, cánh gà. Đầu gà, chân gà bà cứ tước ra từng miếng gân, miếng da nhỏ mà móm mém nhai, chỉ chịu thua mỗi cái anh xương cứng.
Nếu giải mã tuổi thọ 110 về góc độ tinh thần, cả đời bà lành hiền chẳng cãi nhau với ai. Đến như vợ ông Thăng về làm dâu của bà từ năm 1957 cũng chưa bao giờ thấy mẹ chồng to tiếng. Góa phụ khi còn khá trẻ, bà bán buồn, mua vui lấy công việc làm nguôi ngoai, lấy hát ví làm sở thích, không có thời gian rảnh rỗi nào để nỗi buồn kịp ghé thăm.
Cách đây nửa thế kỷ khi mấy đứa con chung tiền mua cho bà cỗ hậu sự, thoát khỏi nỗi lo bị bó chiếu hay lấy ván cửa làm áo quan, bà vui một mạch đến tận bây giờ.
Tôi đến gặp, 110 tuổi bà vẫn ngồi bóc lạc, rút lòng nếp bện chổi rơm, vẫn ngồi chẻ giang, buộc lạt bánh vào dịp Tết, vẫn tự giặt quần áo, vệ sinh cho mình.
Bà có thói quen lạ, chỉ tắm bằng nước lạnh. Trời rét căm căm, ông con trai áo đơn, áo kép mà bà mẹ vẫn xối nước ào ào với cách tắm từ chân lân lên đầu.
Đã từ lâu ánh sáng dần rời bỏ đôi mắt, âm thanh phải thật to mới lọt vào đôi tai nhưng bà vẫn minh mẫn một cách đáng khâm phục. Trăm đứa con, cháu, chắt, chút bà nhớ hết tên không sót một đứa, trăm cái giỗ to, giỗ nhỏ của họ hàng bà nhớ không sót một ngày, ngàn người dân trong làng phần đa bà cũng biết từng tông tích, chi cành.
Cô cháu gái buôn thịt lợn, một buổi về nhà miệng lẩm nhẩm, tay lôi điện thoại ra tính người mua chịu, người bán thiếu. Bấm chưa xong bà Đáo đã nhẩm ra rồi mắng: “Chúng mày chỉ quen thói lười tính nhẩm”.
Chuyện gia tộc, dòng họ, làng mạc đã tỉnh thế bà còn tỉnh cả chuyện thời sự. Bà thường xuyên khuyên con cháu rằng bần cùng lắm mới mua thức ăn ngoài đường, ngoài chợ chứ cứ phải cá trong ao, gà trong chuồng, trứng trong ổ, rau trong vườn mới đảm bảo an toàn thực phẩm, mới tốt cho sức khỏe.
End of content
Không có tin nào tiếp theo