Cư dân B6 Giảng Võ mỏi mắt chờ nhà
Tranh chấp trong chuyển nhượng dự án, hơn 100 hộ dân với 500 nhân khẩu Tòa nhà B6 Giảng Võ (Hà Nội) chưa biết khi nào mới được về lại khu nhà của mình.
Vốn có 10 tỷ đồng mà được giao dự án
Tòa nhà B6 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), có vị trí vào loại đắc địa nhất Thủ đô. Nằm giữa trung tâm đông đúc, ngay cạnh hồ Giảng Võ, Tòa nhà từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư bất động sản.
Với lý do nhà B6 xuống cấp nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm cấp D (mức cao nhất), năm 2004, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng và dịch vụ thương mại Hà Nội (ICT) đã đề nghị TP. Hà Nội được lập dự án đầu tư xây dựng lại chung cư B6 Giảng Võ và được Thành phố chấp nhận.
Tuy nhiên, ngay từ lúc ấy, nhiều cư dân nhà B6 đã không tin tưởng vào nhà đầu tư này, bởi năng lực tài chính của chủ đầu tư rất khiêm tốn, với vốn điều lệ chưa đầy 10 tỷ đồng và chưa thực hiện bất kỳ dự án xây dựng đáng kể nào.
Sự nghi ngờ của cư dân nhà B6 là có lý, bởi đến năm 2007, ICT vì không đủ năng lực thực hiện Dự án, nên đã phải chuyển lại cho Công ty Đầu tư xây lắp và thương mại 36 - Bộ Quốc phòng (Công ty 36) sau khi có sự nhất trí của các cư dân tòa nhà.
Theo phương án mà Công ty 36 đưa ra, Dự án “Nhà ở tái định cư và Văn phòng cho thuê B6 Giảng Võ” có tổng diện tích mặt bằng 3.086 m2, với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, được thiết kế thành 2 khối: khối nhà tái định cư cao 19 tầng, khối văn phòng cao 22 tầng và 4 tầng hầm. Tất cả các hộ dân sẽ được tái định cư tại chỗ trong tòa nhà chung cư mới. Diện tích căn hộ sẽ tăng 1,7-1,8 lần so với trước đây.
Trong thời gian chung cư mới đang xây dựng, các hộ dân được bố trí tạm cư tại khu chung cư ở Thanh Lương, Đại Kim và Phúc Xá. Hộ nào tự lo nơi tạm cư, thì chủ đầu tư hỗ trợ mỗi tháng 250.000 đồng/người. Ngoài ra, chủ đầu tư còn hỗ trợ chi phí di chuyển 2 lần khi chuyển đi và chuyển về.
Các hộ dân mau chóng chấp nhận phương án mà Công ty 36 đưa ra. Do vậy, đầu năm 2008, UBND TP. Hà Nội chính thức giao Công ty 36 làm chủ đầu tư Dự án, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.
Nhưng khi Dự án đang triển khai (dự kiến bàn giao nhà cho dân vào quý I/2014), thì Công ty 36 phải bỏ dở, do đúng thời điểm đó, TP. Hà Nội có quy định mới về tầng cao của các khu vực. Theo đó, khu vực Giảng Võ chỉ được xây tối đa 15 tầng. Với việc bị giới hạn số tầng, tính toán thấy không có lợi nhuận, nên Công ty 36 dừng việc triển khai và xin phép Thành phố được chuyển nhượng Dự án cho đối tác là Công ty Mefrimex.
Ngày 31/12/2013, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định 8018/QĐ-UBND cho phép Công ty 36 được chuyển nhượng toàn bộ Dự án nhà B6 cho Mefrimex. Theo đó, Mefrimex sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện Dự án.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Dự án vẫn giẫm chân tại chỗ. Không chỉ có thế, giữa Công ty 36 và Mefrimex còn xảy ra tranh chấp trong quá trình hợp tác. Hiện Công ty 36 đã khởi kiện Mefrimex ra Tòa án Nhân dân huyện Đông Anh (TP. Hà Nội). Vụ kiện này chưa biết khi nào kết thúc, đồng nghĩa với việc quyền lợi của hơn trăm hộ dân nhà B6 đang bị bỏ rơi.
Mịt mùng ngày trở về
Lý do khiến hai bên kiện nhau là do Công ty 36 đã chuyển nhượng toàn bộ Dự án cho Mefrimex, nhưng Mefrimex vẫn còn nợ Công ty 36 khoảng 250 tỷ đồng.
Mefrimex lấy lý do, hiện giấy chứng nhận đầu tư Dự án của Công ty 36 đã hết hạn (từ năm 2012) và chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Trong khi đó, các hộ dân nhà B6 Giảng Võ yêu cầu chủ đầu tư mà mình đã chọn là Công ty 36 phải đứng ra thực hiện thỏa thuận đã ký kết với các hộ dân. Bởi theo họ, Công ty 36 có tiềm lực tài chính dồi dào hơn.
Trước dư luận về Dự án, ngày 6/4/2015, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã thông báo Kết luận của Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn “về việc thực hiện Dự án Cải tạo, xây dựng lại chung cư B6 Giảng Võ”.
Theo đó, lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định, việc cần thiết nhất hiện nay là phải sớm hoàn thành Dự án, bàn giao nhà ở cho các hộ dân, không thể để người dân đi thuê nhà tới mấy năm trời.
Thành phố ra “tối hậu thư” cho Mefrimex và Công ty 36 phải thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND Thành phố tại Quyết định 8018/2013/QĐ-UBND về việc chuyển nhượng Dự án. Trong trường hợp các nhà đầu tư cố tình trì hoãn, chậm tiến độ thực hiện dự án, Thành phố sẽ xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, các hộ dân nhà B6 vẫn tỏ ra hoài nghi, bởi kết luận của Thành phố không nói rõ thời hạn phải hoàn thành Dự án và ngày trở về ngôi nhà xưa vẫn trong mờ mịt.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo