Cử nhân công nghệ thông tin về quê lập nghiệp, sở hữu vườn lan rừng tiền tỷ
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Văn Long (SN 1984, xóm Nhân Hòa, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) không ở lại phố xin việc mà chọn con đường về quê lập nghiệp. Từ niềm đam mê chơi lan, chàng trai 8X đã gây dựng vườn lan trị giá tiền tỷ với nhiều giống lan quý.
Thời còn đi học, Nguyễn Văn Long rất mê chơi lan, trong nhà lúc nào cũng trồng vài chục giò lan để thưởng thức. Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, ĐH Đà Nẵng, chàng trai trẻ không ở lại thành phố tìm việc làm mà quyết định về quê lập nghiệp bằng nghề trồng lan rừng.
“Lúc còn đi học tôi rất thích tìm hiểu về lan rừng và sưu tầm một số giống lan về trồng. Sau thời gian chăm chút, cây lan phát triển và cho hoa rất đẹp. Một hôm có người bạn sang chơi và ngỏ ý muốn mua, từ đó tôi bắt đầu nảy sinh ý tưởng kinh doanh lan rừng để vừa mang lại hiệu quả kinh tế lại thỏa niềm đam mê của chính bản thân mình”, anh Long chia sẻ.
Nghĩ là làm, năm 2015, Long mượn tiền của anh em, bạn bè được hơn 200 triệu đồng mở vườn trồng lan. Thời gian đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật, những giò lan trồng được một thời gian thì bị nhiễm bệnh, thối nhũn. Sau nhiều lần lên mạng tìm hiểu thêm, hỏi bạn bè, tham quan các mô hình trồng lan ở nhiều nơi, từ đó anh tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Nhờ chăm học hỏi, anh có thể “điều khiển” lan nở theo yêu cầu và nhân được nhiều giống quý.
Dẫn chúng tôi đi một vòng ngắm khu vườn được xây dựng bằng giàn khung 2 tầng, cách mặt đất 2m, phía trên phủ lưới che mát. Bên trong, những chùm hoa Hoàng thảo tím nở rực, những dò Phi điệp vươn mình khoe sắc. Với diện tích 300m2, khu vườn có gần 2.000 giò lan thuộc hơn 30 loài, trong đó lan rừng chiếm 98% được anh sưu tầm ở tất cả các vùng miền và cả ở nước bạn Lào, Myanmar, Campuchia…
Để có khu vườn này, Nguyễn Văn Long đã trải qua thời gian rất khó khăn. Ban đầu không có nhiều vốn nên anh trồng theo kiểu "cuốn chiếu", cho thu hoạch liên tục trong năm để có vốn đầu tư giò mới. Đã có lúc Long thất bại bởi không đủ vốn quay vòng, anh quyết định gác lại đam mê hành nghề đi buôn. Đi buôn một thời gian, có thêm ít vốn liếng anh lại quay về đầu tư trồng lan rừng.
Anh Long cho biết: “Khu vườn này chủ yếu là lan rừng từ khắp các vùng miền “hội tụ” về đây. Nói về cách chăm lan thì khó cũng khó và dễ cũng dễ. Cách tốt nhất là phải thuộc đặc điểm, tính chất của từng loại lan, trong từng loại lan lại có những giống cây đột biến nữa. Trong một giò lan, chỉ cần có lá bị sâu ăn hoặc bị thủng lỗ là cây mất giá trị ngay. Bởi thế, việc thiết kế khu vườn phù hợp cũng là yêu cầu quan trọng để lan phát triển tốt”.
Theo anh Long, lan rừng ưa sống trên thân cây nhã, vú sữa, mít… mỗi năm chỉ nở hoa 1 lần. Trong hàng ngàn giống lan rừng, mỗi giống cây có một loài hoa mang vẻ đẹp riêng. Vì vậy, giá trị của mỗi giò lan phụ thuộc vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của loài hoa này, nhất là những giò lan hoa đột biến có giá trị rất “khủng” và chỉ những người chơi lan, hiểu lan mới biết được giá trị của nó.
Hiện anh Long đang nhân giống nhiều loại lan cao cấp để cung cấp cho thị trường như Nghinh xuân, Phi điệp, Giả hạc, Di linh xuân… Cũng tùy từng loại lan nhưng chủ yếu lan trồng được khoảng 2–3 năm là cho ra hoa.
“Thời gian tới tôi sẽ mở rộng diện tích, tự nhân giống để giảm giá thành chứ lan rừng nhập từ nước ngoài về giá sẽ rất cao, khó tiếp cận được với những người chơi lan bình dân”, anh Long cho biết.
Nhờ bàn tay khéo kéo, chăm chỉ, sau 2 năm anh Long đã có những giò lan với nhiều loại, nhiều kiểu dáng khác nhau được bạn hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Mỗi giò có giá từ 100.000 đến 10 triệu đồng. Những giống cây đột biến có giá từ 20 triệu đồng trở lên.
Bằng sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, đến nay, Nguyễn Văn Long đã có trong tay vườn lan trị giá hơn 1 tỷ đồng, hứa hẹn nguồn thu nhập đáng kể.
End of content
Không có tin nào tiếp theo