Quốc tế

Cú sốc tín nhiệm

Thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một tuần bão táp khi các hãng xếp hạng tín nhiệm lớn tiến hành hạ triển vọng của các nền kinh tế hàng đầu châu Âu.

Bất chấp các biện pháp cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ Euro được đưa ra, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn chưa thể thoát ra khỏi “cơn bão” nợ công. Chính tương lai bất định của Eurozone đã khiến Đức, Hà Lan và Luxembourg – ba nền kinh tế ổn định nhất châu Âu hiện nay bị Moodys hạ triển vọng xếp hạng AAA từ ổn định xuống tiêu cực.

 

Đặc biệt, chỉ một ngày sau đó, hôm 24/7, Moodys đã tiến hành động thái tương tự đối với Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) từ ổn định sang tiêu cực và cảnh báo nếu tình hình không được cải thiện, xếp hạng của EFSF sẽ bị hạ trong vòng 12 – 18 tháng tới.

 

Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone đã bị hãng xếp hạng tín nhiệm Egan-Jones hạ 3 bậc xếp hạng tín nhiệm từ B+ xuống CCC+, xuống dưới mức đầu tư với nguy cơ vỡ nợ tăng, đồng thời cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của Italia trong vòng 1 năm tới là 22%.

 

Dự báo, tổng nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương Italia năm 2012 sẽ lên 183 tỷ Euro (222 tỷ USD), tỷ lệ nợ/GDP năm 2012 của Italia có thể vượt 125% khiến nguy cơ Italia bị hạ xếp hạng xuống C là rất lớn.

 

Trong một động thái tương tự, Egan-Jones đã lần thứ 6 trong vòng 3 tháng qua, hạ xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha từ CCC- xuống CC -  đẩy xếp hạng của quốc gia này tiến gần hơn mức thấp nhất của thang xếp hạng.

 

Tại Anh, dù được S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm vàng AAA với triển vọng ổn định nhưng việc GDP quý II tiếp tục giảm 0,8%, cho thấy chủ nhà của Thế vận hội 2012 đang phải vật lộn với giai đoạn suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi khủng hoàng tài chính toàn cầu diễn ra.

 

Không chỉ có châu Âu, cú sốc tín nhiệm đã lan sang châu Mỹ khi S&P hôm 28/7 đã hạ tín nhiệm của 7 tổ chức tài chính Canada từ mức ổn định sang tiêu cực do giá nhà đất và nợ tiêu dùng ở nước này đã tăng lên mức đáng báo động.

 

Giá nhà tại Canada đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, trong khi nợ người tiêu dùng đã tăng từ 70% lên hơn 90% so với GDP khiến nước này dễ bị tổn thương trước sự yếu kém nói chung của nền kinh tế toàn cầu.

 

Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng không tránh khỏi tác động của cơn bão suy thoái đang tràn qua các châu lục khi Bộ Thương mại Mỹ thông báo GDP quý II chỉ tăng 1,5%. Theo các chuyên gia, nhịp độ tăng GDP quý II của Mỹ đã chậm lại do chi tiêu tiêu dùng, vốn đóng góp tới 70% vào các hoạt động của nền kinh tế Mỹ đã hạ xuống mức thấp nhất trong 1 năm qua.

 

Việc một loạt quốc gia bị hạ triển vọng tín nhiệm và triển vọng tăng trưởng cho thấy tác động nghiêm trọng của nợ công tới kinh tế thế giới. Nếu các thể chế tài chính lớn của thế giới không nhanh chóng đưa ra một giải pháp tổng thể và hiệu quả, viễn cảnh kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ u ám hơn, gây nên những hậu quả tiêu cực hơn.

 

 

 

Theo KTĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo