Cửa chùa luôn rộng mở với… gái mại dâm
Nhiều cô gái mại dâm không một lần bước chân vào cửa chùa vì nghĩ mình không sạch sẽ, nhưng trụ trì chùa Bồ Đề, ni sư Thích Đàm Lan cho rằng cửa Phật không hề có sự phân biệt.
Từ câu chuyện của một gái mại dâm
Có một nghịch lý: Khi chủ chứa của những quán massage tẩm quất không lành mạnh, những tay tú ông tú bà thành tâm đến từng đền từng chùa xa gần để cầu cho một năm ăn nên làm ra, phát tài phát lộc, để cái nghề xấu ấy được hoạt động một cách an toàn và đắt khách.
Còn ngược lại, nhiều cô gái kiếm sống bằng “vốn tự có” và cũng là nuôi dưỡng những chủ chứa này bằng thân thể họ thì không một lần dám bước chân vào chốn thiền môn để cầu xin một sự che chở, bình an cho bản thân, gia đình,
Trong bài viết, một cô gái bán dâm tên L.A (SN 1991, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) đã làm nghề được 3 năm cho biết, không còn niềm tin để đến với cửa chùa, cửa đền để cầu xin bởi cầu khấn mãi, kêu xin mãi mà cuộc đời cô vẫn không thể thoát khỏi cảnh tủi nhục với cái nghề cô đang theo. Bỏ nghề thì L.A cũng chẳng biết làm gì, cũng chẳng ai lấy, còn theo nghề thì đời vẫn thế, không thoát ra được.
Cũng qua L.A, một gái mại dâm chơi thân với cô là N.T.T (SN 1990, Kiến Thụy, Hải Phòng) lại có một suy nghĩ khác hơn. N.T.T cho rằng cô không muốn bước chân vào cửa chùa vì bản thân mình không sạch sẽ, sợ làm ô uế chốn tôn nghiêm.
Cô lý giải: “Phụ nữ đến ngày còn không được bước chân đến trước mặt Phật, còn những đứa như bọn em, nhơ nhớp như thế, mặt mũi nào để mà xin mà cầu, đến đứng nhận tội còn không dám tới gần.”
Cửa chùa không phân biệt
Nói chuyện với ni sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội), là một trong những ngôi chùa nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa nhiều nhất Việt Nam, qua phóng viên, nhà sư đã chia sẻ sự cảm thông với những cô gái “không sạch sẽ” này.
Ni sư Thích Đàm Lan cho biết: “Đức Phật từ bi, không bao giờ phân biệt bất kỳ ai, dù là kẻ mang thân tù tội, hay những người mắc phải cái sự lầm đường lạc lối, nhơ nhấp bẩn thỉu đến đâu, chỉ cần biết quay đầu và thành tâm sám hối, đều có thể cưu mang. Với những cô gái kia cũng như vậy, chỉ cần nhìn thấy cái sai, cái lỗi của bản thân, đến trước cửa Phật và đi con đường đúng thì đều có thể quay đầu là bờ, vẫn có thể thành được chính quả”.
Khi phóng viên đặt giả thiết, cả với những cô gái cứ đứng trước chân Phật thì thành tâm hối lỗi, còn bước ra khỏi cửa chùa lại ngựa quen đường cũ, thì đức Phật có từ bi với những con người như thế?
Sư Thích Đàm Lan trả lời: “Điều mấu chốt của vấn đề là nhận ra cái sai và sửa chữa cái sai, có thể sám hối một lần, hai lần, nhưng không thể cứ sám hối xong lại phạm lỗi, như vậy là những thành phần ngoan cố, không thể sửa chữa, cái sai đã ngấm vào bản chất. Và đã là bản chất thì ở trước cửa Phật cũng không cách nào cứu vớt được tâm hồn này.”
Theo nhà sư Thích Đàm Lan, cửa Phật không từ chối ai, cũng như cuộc đời không đóng cửa trước bất kỳ ai, chỉ có điều, các bạn đã tự đóng cánh cửa của cuộc đời bởi chính sự không cố gắng, lười lao động, như vậy thì chẳng có một sức mạnh nào có thể giúp bạn rời con đường sai khi bản thân bạn đã không hề muốn sửa đổi.
Xung quanh việc những người làm “nghề xấu”, những chủ chứa, tú bà tú ông tìm đến cửa Phật để cầu xin tài lộc, xin sự bình an, sư Thích Đàm Lan cho rằng Phật không bao giờ ban phước cũng như trừng phạt bất kỳ ai, Phật chỉ dạy cho con người ta con đường đúng để đi. Vì thế, dù có không cầu xin mà chỉ làm toàn việc thiện thì cuộc sống cũng tự nhiên bình an, viên mãn, làm việc xấu thì chắc chắn sẽ có nhân quả.
Họ có thể mang lễ vật đến để cầu xin thần Phật, nhưng thực ra, đó chỉ là một cách mua chuộc thánh thần, hay nói thẳng là phỉnh nịnh chính bản thân mình để tiếp tục dấn sâu hơn vào cái xấu.
Sư Thích Đàm Lan cũng nhấn mạnh, việc làm nghề xấu, đi con đường xấu đã là một cái sai của con người, việc mình làm gây ảnh hưởng, hủy hoại bản thân mình đã không tốt, nếu còn gây hại cho người khác thì tội nghiệt thật lớn.
Sư Lan chia sẻ, bản thân những đứa trẻ mà nhà sư đang nuôi dưỡng trong chùa cũng rất nhiều đứa là con của những cô gái mại dâm, sinh con ra mà không có trách nhiệm, sẵn sang vứt bỏ con ở cửa chùa. Hiện tại, nhà chùa đang có hơn 250 trẻ mồ côi, cơ nhỡ và người gia không nơi nương tựa.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo