Cửa hàng phi SJC từ chối mua vàng của nhau
Vài ngày gần đây, Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu mới bắt đầu giao dịch trở lại vàng miếng SJC, song vẫn khá “dè chừng” với sản phẩm một số thương hiệu khác, trong đó có AAA của Công ty vàng bạc đá quý Agribank (AJC).
Không riêng gì Bảo Tín Minh Châu, một số thương hiệu vàng không phải SJC cũng khá nghi ngại trong việc mua bán vàng của các thương hiệu khác. Trên website của AJC, bảng giá chỉ thể hiện giá vàng miếng AAA, còn những loại khác như PNJ, rồng Thăng Long hay SJC không có. Hay như trường hợp của PNJ cũng chỉ thu mua và bán vàng miếng Phượng Hoàng do mình sản xuất cùng với SJC mà không bán các thương hiệu khác như AAA hay rồng Thăng Long…
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu cho biết, công ty không có chủ trương từ chối mua lại vàng miếng của các thương hiệu khác mà luôn tạo điều kiện tốt để khách hàng có thể giao dịch. Còn việc e dè hơn trong mua bán thương hiệu ngoài, trong đó có vàng miếng SJC, theo ông Châu, có thể là do nhân viên cửa hàng thận trọng trước hiện tượng vàng nhái, giả xuất hiện trên thị trường...
Một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh vàng chia sẻ, không nên bàn tới việc thương hiệu A từ chối mua vàng của thương hiệu B, C, D. Vấn đề ở chỗ, khi Nghị định 24 có hiệu lực thi hành, chỉ duy nhất SJC được phép dập đúc vàng miếng, thì những đơn vị trước đây từng sản xuất sản phẩm này như Bảo Tín Minh Châu, AJC, SBJ hay PNJ… phải ưu tiên chính thương hiệu của mình. Vị này cho biết, hệ lụy của việc SJC độc quyền dập đúc vàng miếng đang khiến cho máy móc, trang thiết bị của nhiều doanh nghiệp bị niêm phong, nhân sự phải cắt giảm. “Trong khi đó, nếu nhìn khách quan thì rõ ràng giá vàng của những đơn vị này đang sát với giá thế giới hơn giá của SJC”, vị chuyên gia nói trên nhận định.
Vấn đề nghi ngại nhất của người dân hiện nay là chất lượng vàng miếng không phải SJC. Đại diện một doanh nghiệp lớn kinh doanh vàng “phi SJC” tại Hà Nội khẳng định, theo chuẩn quốc tế, vàng từ 99,97% trở lên đã đủ tiêu chuẩn để gọi là vàng 9999. Còn tại Việt Nam bắt buộc phải vàng 99,99% mới đủ chuẩn, nên hai quy định này “chưa gặp nhau” trong khi giá vàng các thương hiệu “phi SJC”, từ sau khi Nghị định 24 cho phép SJC toàn quyền dập đúc vàng lại có xu hướng sát hơn với giá thế giới. Còn chênh lệch vàng SJC và giá quốc tế hiện tại vẫn phổ biến hơn 3 triệu đồng/lượng. Do đó, theo ông này, Nhà nước nên là cơ quan đứng ra kiểm định tuổi và chất lượng vàng, thay vì giao cho doanh nghiệp được quyền đúc, gia công.
Từ một năm trước, thực hiện theo Nghị định 24 về quản lý và kinh doanh vàng miếng, nhiều đơn vị không phải SJC đã ngừng mọi hoạt động dập đúc, sản xuất vàng miếng. Đến nay, việc dập, đúc đều do SJC phụ trách. Theo thông tin từ SJC, đã có tổng cộng 430.000 lượng vàng gồm móp méo cong vênh và phi SJC được dập đúc thành SJC. Như vậy, với khoản phí 50.000 đồng/lượng, SJC thu về khoản tiền 21,5 tỷ đồng với toàn bộ số vàng đã dập từ trước tới nay.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, nhiều người hiểu sai cơ quan này chỉ cho lưu thông vàng SJC. Thực tế, tất cả các thương hiệu vàng khác đều được công nhận, các mác vàng khác không được dập nữa mà chỉ có SJC nhưng do Ngân hàng Nhà nước dập. Việc chuyển đổi từ vàng thương hiệu khác sang SJC là quyền của người sở hữu, Nhà nước không bắt buộc. “Người dân cần bình tĩnh trước mọi thông tin, Nhà nước không cấm lưu thông các loại vàng khác, chất lượng vàng trước đây mua như thế nào thì nay như thế”, ông Lê Minh Hưng cho biết.
Việt Huế (Theo Infonet)
End of content
Không có tin nào tiếp theo