Thị trường

Cửa hàng xe máy cũ ủ rũ vì “xe chính chủ”

Nghị định 71/2012/NĐ-CP mới có hiệu lực được 1 tuần mà các cửa hàng chuyên mua bán xe máy cũ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã lâm vào cảnh “vắng tanh như chùa bà Đanh”.

Điêu đứng vì ế ẩm

Theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chủ xe máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng nếu không sang tên đổi chủ (đi xe không chính chủ); đối với ô tô, mức phạt là từ 6.000.000 - 10.000.000 đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/11/2012.

Đây cũng là một yếu tố góp phần giúp Nhà nước giám sát tốt hơn hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu phương tiện giao thông, truy xét nguồn gốc xe khi xảy ra sự cố… Tuy nhiên, chính yêu cầu phải có giấy tờ “chính chủ” này lại khiến loại hình kinh doanh xe máy cũ vốn nở rộ tại các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh lại rơi vào cảnh điêu đứng.

Khảo sát của PV Dân trí trong ngày 17/11, tại một số tuyến đường chuyên kinh doanh xe máy cũ như Lũy Bán Bích, Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú), Bà Hom, tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân), Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận)… hầu như đều trong tình trạng ế ẩm, không có một bóng người.

Anh Phan Hiệp Phước, chủ cửa hàng xe gắn máy Tấn Lộc (đường tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), cho biết: “Kể từ ngày Nhà nước ra Nghị định 71 này, dân buôn bán xe như tụi tui không có làm ăn gì được hết. Bây giờ người dân đi mua xe họ đòi phải sang tên đổi chủ, nhưng chiếc xe cũ chỉ có giá 5 triệu đồng mà phải đi công chứng thủ tục rườm rà mất hết mấy ngày. Chưa kể những chiếc xe đó qua bao nhiêu đời chủ rồi, giờ không biết kiếm đâu ra chủ cũ nữa mà đòi sang tên”.

Chung cảnh ngộ với anh Phước, bà Nguyễn Thị Vân, chủ cửa hàng xe gắn máy Vạn Phước trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), cho biết: “Việc mua bán đã ếm ẩm nay lại thêm cái Nghị định 71 này nữa làm dân mua bán xe cũ như tụi tui chỉ có nước dẹp tiệm thôi. Bây giờ ai vào mua xe cũng đòi sang tên cả, nếu không sang tên thì họ không mua”.

Bà Vân phân trần: “Chú nghĩ mà coi, chiếc xe gắn máy cũ giá chỉ có giá mấy triệu đồng, bán lời được mấy trăm mà làm thủ tục rườm rà thì lấy đâu mà lời. Chưa kể xe đã qua biết bao nhiều đời chủ, chưa nói là xe ở các tỉnh thì thủ tục càng rườm rà hơn nữa, có khi mất cả tháng trời vẫn chưa xong thủ tục vậy thì còn buôn bán gì”.

Muốn nghỉ cũng chẳng xong

Theo các chủ cửa hàng xe máy cũ, lâu nay khi họ mua vào thì chỉ cần giữ giấy tờ xe phù hợp với xe là xong, không cần biết người bán là ai. Khi bán ra, phần lớn khách hàng cũng chỉ lấy giấy tờ xe của chủ cũ, cửa hàng viết giấy tay hoặc biên nhận bán xe cho khách là hoàn tất. Mọi thủ tục đơn giản nên mới có lợi nhuận. Chỉ những loại xe có giá trên chục triệu mới tính đến chuyện giấy tờ, sang tên, đổi chủ…

Nay mọi chuyện đã khác, xe nào khách cũng đòi phải sang tên đổi chủ, mà chủ cũ của xe thì đến chủ cửa hàng cũng tìm không ra. Anh Phan Hiệp Phước, chủ cửa hàng xe gắn máy Tấn Lộc giải thích thêm: “Nếu người bán xe cho cửa hàng, sau đó 1 – 2 tháng cửa hàng bán lại được thì có thể còn nhờ người bán cũ giúp làm giấy tờ sang tên đổi chủ cho khách mua. Còn nếu lâu quá thì tìm đâu ra người bán mà nhờ sang tên, có tìm ra thì người bán chưa chắc sẵn sàng giúp mình”.



Những chiếc xe chỉ có giá 4 – 5 triệu đồng này hầu hết đều đã qua nhiều đời chủ, đến chủ cửa hàng cũng chẳng biết “chính chủ” đang ở nơi nào

 

Điều các chủ cửa hàng ngại nhất là những xe đã bán sang tay nhiều người, dù xe có giấy tờ đầy đủ nhưng người đứng tên trên giấy tờ không tài nào tìm ra thì làm sao mà đi sang tên đổi chủ dù họ rất muốn. Hiện ở hầu hết các cửa hàng xe máy cũ đều tồn rất nhiều loại xe cũ giá trị thấp rơi vào trường hợp này. Do đó, dù các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này muốn nghỉ bán cũng không biết giải quyết đống hàng tồn kho này ra sao.

Anh Phan Hiệp Phước bức xúc: “Trước kia mỗi ngày tôi bán được từ 5 -7 chiếc xe gắn máy, nhưng liên tục mấy ngày nay cửa hàng không bán được chiếc xe nào cả. Tiền thuê nhân công, tiền mặt bằng rồi tiền thuế mỗi tháng lên đến cả chục triệu đồng, buôn bán kiểu này chắc tui đóng cửa mất”.

Nhưng anh cũng đang lo đóng cửa, chuyển nhượng cửa hàng cũng chẳng xong vì chẳng ai muốn nhận cái cục khó này, mà vốn liếng của gia đình anh thì đều đổ dồn vào đây hết rồi, không thể xoay đâu được nửa. Anh than: “Hầu hết các cửa hàng ở đây đều trong tình trạng sống không được, mà chết cũng không xong”.

 

 

Việt Huế (Theo Dân trí)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo