Cửa rộng mở cho giày dép VN vào EU
Sau một thời gian dài bị loại khỏi diện được hưởng ưu đãi thuế quan (GSP) của Liên minh châu Âu (EU), nhiều doanh nghiệp da giày VN đã thở phào nhẹ nhõm khi EU vừa ban hành quy chế hưởng GSP mới với mức thuế suất bình quân dành cho mặt hàng giày dép nhập khẩu từ VN vào EU từ 12,4% xuống còn 3,5-4%, áp dụng từ ngày 1-1-2014.
Nói như ông Nguyễn Văn Lê, Phó Tổng Giám đốc Công ty công nghiệp cổ phần giày Đông Hưng (TP.HCM), cơ hội bán hàng vào EU của các doanh nghiệp VN sẽ rộng hơn “nếu chuẩn bị tận dụng các ưu đãi này một cách hiệu quả”.
Suy giảm kinh tế kéo dài đã khiến người tiêu dùng thị trường EU - hiện đang là thị trường xuất khẩu giày lớn nhất của VN, chiếm đến 35% (tương ứng khoảng 3 tỉ USD) trong tổng kim ngạch xuất khẩu 8,76 tỉ USD của năm 2012 - thắt lưng buộc bụng. Đã có không ít các nhà đặt hàng đến từ châu Âu yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất giày VN giảm giá bán sản phẩm, trung bình 5-7% cho các đơn hàng giao trong năm 2013, do người tiêu dùng châu Âu không còn thoải mái vung tiền mua sắm như trước.
Tại Công ty Đông Hưng, dù đã xuất được khoảng 2,5 triệu đôi giày, trị giá 15 triệu USD trong gần ba tháng đầu năm 2013, nhưng ông Lê xác nhận vẫn có không ít các nhà đặt hàng đề nghị giảm giá đơn hàng “do thuế nhập khẩu vào EU vẫn còn cao”. Chính vì vậy, một khi thuế nhập khẩu da giày vào châu Âu giảm, không chỉ có người tiêu dùng của khối EU được hưởng lợi mà các doanh nghiệp sản xuất giày trong nước cũng có cơ hội để gia tăng lượng hàng bán ra.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), lợi thế xuất khẩu vào thị trường EU của ngành da giày VN so với các nước cùng khu vực hiện chỉ đứng sau Trung Quốc, do nguồn lao động trẻ khéo tay và đặc biệt môi trường đầu tư ổn định. Lợi thế này càng làm tăng khả năng cạnh tranh nếu Hiệp định thương mại tự do giữa EU và VN (FTA) đàm phán thành công, khi đó thuế suất của ngành da giày sẽ về mức 0%. Đây sẽ là cơ hội cho cả hai phía trong việc mở rộng thị trường với ít rào cản nhất, cũng như mở ra cơ hội thu hút đầu tư từ các nước EU vào các lĩnh vực dịch vụ nghiên cứu phát triển (R&D), máy móc thiết bị và thuộc da - vốn là điểm mạnh từ các nước EU - cho ngành da giày trong nước. “Nếu biết tận dụng cơ hội này để tập trung đầu tư may ra chúng ta mới có thể cạnh tranh với Trung Quốc, bởi năm 2015 thị trường khu vực ASEAN sẽ mở rộng cửa cho hàng hóa Trung Quốc xâm nhập sâu”, ông Kiệt phân tích.
Gia Huy
Theo TTO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự báo thời điểm bão Yinxing đổ bộ vào Biển Đông, xuất hiện ngay trong tuần này?
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Đà Nẵng: Giải ngân vốn đầu tư công gặp hai bất cập lớn
Cột tin quảng cáo