Thị trường

Cục cưng hay cục nợ?

Trong bối cảnh cân đối ngân sách khó khăn khiến việc tăng lương không thể thực hiện đúng lộ trình, thông tin Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) quên nộp ngân sách gần 11.000 tỷ đồng đang khiến dư luận bức xúc.

Số tiền trên bắt nguồn từ khoản lãi dầu khí để lại cho nước chủ nhà đến cuối 2012 dự kiến vào khoảng hơn 21.000 tỷ đồng (số tiền "lãi dầu khí nước chủ nhà" thu được từ liên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia dầu khí khác).

Sở dĩ có con số gần 11.000 tỷ đồng, tương đương 50% tiền lãi, bắt nguồn từ Nghị định 142/2007/NĐ-CP về Quy chế quản lý tài chính công ty mẹ PVN, trong đó có quy định việc để lại cho PVN 50% tiền lãi dầu khí.

Thực ra, trước đó câu chuyện này đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng nêu. Tuy nhiên, lãnh đạo PVN đã lên tiếng phản bác thông tin này và cho rằng từ trước tới nay PVN đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước và giữ lại theo đúng quy định. Thế nhưng, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng.

Theo đó, PVN phải nộp bổ sung ngân sách gần 11.000 tỷ đồng liên quan đến khoản "tiền lãi dầu khí nước chủ nhà" giai đoạn 2009-2011. Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết đến nay PVN mới nộp được khoảng 1.000 tỷ đồng, nghĩa là vẫn còn thiếu khoảng 10.000 tỷ đồng phải nộp lại ngân sách từ nay đến cuối năm 2012.

Trong số các tập đoàn, tổng công ty hiện nay, PVN là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất nước, đồng thời là tập đoàn duy nhất có nghị định riêng của Chính phủ quy định về quy chế quản lý tài chính. Với nhiều ưu đãi trong lĩnh vực hoạt động, thời gian qua PVN luôn tự hào hàng năm đóng góp trung bình khoảng 25-30% tổng thu ngân sách hàng năm. Vì vậy, việc một tập đoàn "quên" tới cả chục ngàn tỷ đồng nộp ngân sách đã gây sốc cho nhiều người.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách đang ngày càng thu hẹp do kinh tế khó khăn, để tăng lương trong năm tới Chính phủ đã phải cân đối, cắt giảm 10.000 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển, tiết kiệm chi nhiều nguồn khác. Số tiền 10.000 tỷ đồng bị "quên" nộp trong 3 năm qua, nếu tính với lãi suất bình quân 12%/năm, số tiền lãi đã là… 3.600 tỷ đồng!

Điều đáng quan tâm, câu chuyện lùm xùm xung quanh việc “quên” nộp ngân sách của PVN được “tô điểm” thêm bởi các ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty khác.

Trong một văn bản của Bộ Tài chính gửi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 6-11, cho biết trong công tác truy thu nợ với các ngân hàng thương mại và tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cơ quan này đã đôn đốc nợ thuế tại 56 đơn vị hội sở và chi nhánh ngân hàng thương mại, xử lý truy thu và phạt 105 tỷ đồng, đã đôn đốc nộp vào ngân sách 1.431 tỷ đồng số thuế nợ đọng.

Bộ này đã kiểm tra và đôn đốc nợ thuế tại 88 tập đoàn, tổng công ty, xử lý truy thu 576,7 tỷ đồng, đã đôn đốc nộp vào ngân sách 546,8 tỷ đồng (bao gồm cả 267,5 tỷ đồng số thuế nợ đọng).

Nợ đọng, chây ì thuế lâu nay các phương tiện thông tin đại chúng thường phản ánh đối với doanh nghiệp dân doanh, nay có cả các “ông lớn” vốn được nhìn nhận như những “đại gia”, trụ cột của nền kinh tế. Việc chỉ mặt, nêu tên đến nay mới có PVN mà chưa điểm danh các ông lớn khác (có thể do số tiền chưa nộp quá lớn?).

Nợ đọng thuế hay “quên” nộp ngân sách xét về bản chất là một hình thức chiếm dụng vốn của Nhà nước. Đây là việc làm khó chấp nhận, nhất là đối với những tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước. Ở Việt Nam, việc xử lý doanh nghiệp nợ đọng, chây ì hay trốn thuế dường như chưa kiên quyết, chưa được thực hiện một cách rốt ráo như nhiều nước khác, thậm chí khi đã bị điểm mặt, chỉ tên vẫn tiếp tục… chây ì.

Để việc đóng thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách trở thành niềm tự hào với mọi doanh nghiệp, cần phải có sự thay đổi trong xử lý những hành vi này. Vai trò quan trọng đầu tiên phải từ ngành thuế, để từ đó tôn vinh mạnh mẽ những doanh nghiệp nộp đủ thuế, thực hiện nghĩa vụ ngân sách đầy đủ và phê phán mạnh mẽ cũng như có hình thức chế tài các doanh nghiệp chây ì, trốn thuế.

 

 

Việt Huế (Theo SGĐT)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo