Tin tức - Sự kiện

Cục diện “đấu trường” bán lẻ

Năm 2014 được các chuyên gia gọi là “năm của cá to và sóng lớn” trên thị trường Việt Nam, một năm đầy sôi động với khoảng 300 thương vụ M&A, giá trị khoảng 2,5 tỷ USD. Riêng “đấu trường” bán lẻ có những thương vụ M&A khá đình đám

đám.

Vụ thâu tóm Metro Cash&Carry Việt Nam của Berli Jucker (BIC), với giá trị 879 triệu USD, là “phát đại bác” gây chấn động trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

 

Thương vụ đình đám khác: Vingroup thâu tóm Ocean Retail, chuỗi Ocean mart đổi tên thành Vinmart. Cuối năm 2014, Alphanam trao chuỗi siêu thị bán lẻ 79 Mart vào tay Vingroup, rút khỏi cuộc chơi bán lẻ.

 

Không có nhiều bất ngờ, Kinh Đô bán mảng kinh doanh cốt lõi bánh kẹo cho một tập đoàn thực phẩm Mỹ, giá trị 370 triệu USD, nhảy sang sân chơi dầu ăn, mỳ ăn liền...

 

Ở một bình diện khác- thay vì thôn tính là những cái bắt tay hợp tác hoặc dùng sức mạnh tự thân để nối dài cánh tay trên thị trường- cũng có nhiều biến động. Aeon của Nhật Bản bắt tay với hai đối tác Việt- Citimart và Fivimart- khai sinh thương hiệu mới Aeon-Citimart, thực thi chiến lược tiếp cận thị trường đa chiều. Năm 2014, Aeon mở thêm 2 đại trung tâm mua sắm Aeon Mall TP.Hồ Chí Minh và Aeon Mall Bình Dương; năm 2015 sẽ khai trương Aeon Mall Long Biên (Hà Nội).

 

Một tên tuổi không thể quên: Lotte khai trương trung tâm thương mại Lotte Centre có vị trí đắc địa tại Hà Nội, đồng thời khai trương 6 trung tâm thương mại Lotte mart ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng...

 

Ngay cả Big C- nhà đầu tư ngoại “gạo cội” trên thị trường bán lẻ Việt- cũng hăm hở mở thêm siêu thị tại Hải Dương, Bắc Giang.

 

Chưa hết, còn rất nhiều “ông lớn” bán lẻ khác đang từng bước tiến vào thị trường Việt Nam như chuỗi Robins của Central Group (Thái Lan), Takashimaya (Nhật Bản), Auchan (Pháp), Mark&Spencer (Anh)...

 

Vẫn một câu hỏi cũ: Trong “thị trường- đấu trường” bán lẻ hiện đại sôi động, nóng bỏng đó, ngoài những người chấp nhận rời cuộc chơi, các nhà bán lẻ Việt đứng ở đâu? Có chuyên gia nhận định: Cái bắt tay giữa Aeon-Citimart cho thấy các nhà bán lẻ nội khó “đơn thương độc mã” trong “đấu trường” hiện đại.

 

Phải chăng chính vì vậy, để khắc phục điểm yếu cố hữu và được tiếp thêm sinh lực, các thương hiệu nội chọn cách hợp tác thay vì đối đầu với thương hiệu ngoại? Ngay cả Saigon Co.op, dù rất tự tin là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam, cũng đã quyết định chọn nhà bán lẻ Singapore nổi tiếng là NTUC FairPrice làm đối tác đầu tư kinh doanh.

 

Và tất nhiên, với sự nhập cuộc bằng những động thái mạnh mẽ của các “ông lớn” ngoại, cục diện thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2015 sẽ có những đổi thay đáng kể. Theo đó, lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại sẽ được “làm đẹp” bằng những... gương mặt ngoại?

Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo