Cục trưởng Hàng không nói về dự án nghìn tỷ "đuổi chim" ở sân bay
Như Doanh Nghiệp Việt Nam đã đưa tin, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam vừa tái đề xuất Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Hệ thống sẽ phát hiện vật thể lạ với tọa độ chính xác, không can nhiễu với các hệ thống kỹ thuật của khu bay, giúp loại bỏ sự cố trên đường cất, hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập.
Theo tính toán, tổng mức đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ tại sân Nội Bài hơn 486 tỷ đồng và Tân Sơn Nhất gần 510 tỷ đồng. Cục Hàng không cho biết, hiện tại ngân sách nhà nước còn khó khăn nên Cục đề xuất 2 phương án là Tổng công ty cảng hàng không (ACV) đầu tư hoặc huy động doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư).
Cục Hàng không đề xuất, Bộ Giao thông Vận tải giao ACV làm chủ đầu tư dự án, quản lý, khai thác, bảo trì công trình sau khi hoàn thành. Trường hợp ACV khó thu xếp vốn thì doanh nghiệp có thể kêu gọi đầu tư và thu xếp hoàn trả dần cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng đề xuất, Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng dự án với nhà đầu tư. Theo đó, sau khi hoàn tất việc lắp đặt hệ thống, nhà đầu tư sẽ chuyển giao cho sân bay quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống.
Tại cuộc họp báo của Bộ Giao thông vận tải diễn ra chiều nay 5/4, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh đã trả lời báo chí những thông tin liên quan đến dự án này.
Ông Thanh cho biết, dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng thực tế đã có chủ trương thực hiện từ lâu và Cục Hàng không đã được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất.
Lãnh đạo Cục Hàng không cũng cho biết, số tiền khoảng 1.000 tỷ đầu tư cho hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng sân bay chưa phải là giá chính thức, mới chỉ là số tiền dự kiến trước khi thực hiện đấu thầu quốc tế.
Vị này cũng tiết lộ, hiện Cục Hàng không cũng đang tích cực phối hợp với các nhà khoa học trong nước để triển khai dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ. Các nhà khoa học cho rằng không quá khó khi sản xuất hệ thống này. Nếu các nhà khoa học có thể sản xuất được, Cục Hàng không sẽ lắp đặt thử nghiệm ở một đường băng. Chắc chắn chi phí cho dự án này sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Trước đó, tại đề xuất lần 1, hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng sân bay đã vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia. Các chuyên gia hàng không cho rằng, hệ thống cảnh báo này đặt tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất là chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, mức đầu tư thiết bị đuổi chim hơn 1.100 tỷ đồng là quá lớn và dự án cũng chưa phải là cấp thiết đầu tư vì sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều hạng mục khác cần giải quyết hơn như tình trạng quá tải vẫn còn thường xuyên xảy ra...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg