Tin tức - Sự kiện

Cục trưởng Hàng không: VNA cũng có chủ quan

"Nói giật gấu vá vai thì hoàn toàn không phải, một hãng lớn gần 100 chiếc máy bay, giật gấu vá vai thì không thể nào, kết luận vậy hơi phiến diện, chủ quan", ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không lên tiếng sau khi các chuyên gia đánh giá về các sự cố của hãng bay VNA.

PV: Gần đây hãng bay VNA thường xuyên gặp phải những sự cố như phát hiện bánh mòn lốp trước giờ bay, sau khi hạ cánh, đã bị gãy trục càng và 1 lốp bị rơi ra ngoài. Thưa ông, là nhà quản lý, quan điểm của ông ra sao trước những sự cố này của VNA?

Ông Lại Xuân Thanh: Theo tôi, VNA đã thực hiện tốt, kịp thời phát hiện ra việc không đủ điều kiện để bay, mòn lốp quá giới hạn, đấy cũng là công tác kiểm tra bình thường trước chuyến bay của hãng hàng không.
 
Tất nhiên, việc để chậm chuyến bay của khách, nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của hãng hàng không. Thế nhưng, về an toàn thì VNA đã kiểm tra, phát hiện trước chuyến bay, đấy là cái bắt buộc phải thực hiện, nhưng cũng có yếu tố chủ quan.
 
Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh
 
Đáng lẽ, khi đánh giá trước, về mặt lâu dài phải có kế hoạch dự báo, giả sử như chuyến bay mòn lốp, thì phải có tàu bay khác để sử dụng vào hoạt động đó, không phải vào lúc đó mới đi lo tàu bay thay thế, hay kiểm tra xong thì mới bảo mòn lốp rồi dừng bay.
 
Tất cả, phải có dự báo trước để làm không ảnh hưởng chất lượng dịch vụ vận chuyển. Tại vì có thể khi anh dự báo lốp chưa mòn nhưng do điều kiện hạ cánh, điều kiện sân bay mòn quá rồi, sẽ giải quyết ra sao, chả lẽ không hạ cánh. Hay thí dụ chuyến đó có thể cất cánh được nhưng ra nước ngoài vượt quá giới hạn ở nước ngoài thì việc thay thế còn tốn kém hơn nhiều?

PV: Từ sự cố rơi bánh cho đến mòn lốp xảy ra trong thời gian gần nhau như vậy, đây có được coi là những sự cố hy hữu không? Ông đã từng chứng kiến sự cố nào xảy ra trước đây như vậy?
 
Ông Lại Xuân Thanh: Thực ra, từ trước đến nay, chúng tôi chỉ công nhận có trường hợp rơi lốp là hy hữu.
 
Bởi vì, sau khi chúng tôi kiểm tra lại, thì tất cả các quy trình bảo dưỡng đều được tuân thủ nghiêm theo quy định, chúng tôi kết luận việc rơi lốp nó không do yếu tố khai thác và bảo dưỡng.
 
Cho đến nay, vẫn chưa có kết luận cụ thể, mới chỉ đặt ra vấn đề, chúng tôi đã gửi sang cơ quan điều tra của Pháp để kiểm tra, đánh giá, nên gọi hy hữu là vậy. Vì chúng ta tuân thủ đầy đủ các quy trình cả về mặt khai thác và bảo dưỡng, nhưng nó vẫn cứ xảy ra, nhưng các trường hợp khác chúng tôi không gọi là hy hữu.
 
Như trường hợp mòn lốp, thì nguyên nhân là do công tác dự báo kỹ thuật chưa tốt, không thể để cho nó uy hiếp an toàn bay, cất cánh trong trường hợp lốp mòn, tuy chúng tôi phát hiện, nhưng công tác dự báo ảnh hưởng đến dịch vụ, chậm chuyến, đây không gọi là hy hữu.
 
Và hàng loạt những sự cố kỹ thuật xảy ra, thì không thể tránh khỏi, chủ yếu phải dự báo, kiểm soát, đảm bảo kỹ thuật.
 
PV: Ông đã gặp những sự cố tương tự như vậy ở các hãng hàng không của các nước?
 
Ông Lại Xuân Thanh: Có chứ, thậm chí rất nhiều. Ngay cả chuyện bị gẫy trục, gẫy càng, thì thế giới có nhiều nhưng chưa đến mức gãy ra, nhưng nó đã bị nứt, trường hợp tương tự như vậy thì một số hãng hàng không đã gặp phải giống như trường hợp VNA.
 
Hiện nay, ngay cả quốc tế cũng chưa có kết luận chính thức, chỉ đưa ra nguyên nhân có thể, thứ nhất, là vấn đề khai thác, hạ cánh thô quá mới tác động đến càng.
 
Thứ hai, bảo dưỡng không tuân thủ quy định. Thứ ba, vấn đề về chất liệu làm ra cái càng, thứ tư, vấn đề về ổ bi, đưa ra rất nhiều khả năng.
 
Nhưng chúng tôi loại trừ hai yếu tố đầu là khai thác, bảo dưỡng, kết luận chính xác do chất liệu, lỗi sản xuất, bị khiếm khuyết trong quá trình sản xuất, quốc tế cũng đặt ra, nứt ngầm phía bên trong, mình bị gẫy rời.
 
Còn chuyện bị mòn lốp ở các hãng hàng không quốc tế cũng có chứ không phải không có.
 
PV: Trước những sự cố liên tiếp xảy ra của VNA, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cho rằng, do làm ăn không có hiệu quả kinh tế nên VNA làm ăn theo kiểu “ giật gấu vá vai – được chăng hay chớ" coi thường khách hàng , tự đánh mất thương hiệu quốc gia của mình. Ông có đồng tình với nhận định này?
 
Ông Lại Xuân Thanh: Thứ nhất, VNA giai đoạn vừa qua, tỉ lệ xảy ra sự cố nghiêm trọng cũng ít, thuộc cái tỉ lệ khá của khu vực, tỉ lệ đảm bảo kỹ thuật đối với tàu bay rất tốt.
 
Thứ hai, VNA không bị mất uy tín về đảm bảo kỹ thuật, chúng tôi kết luận VNA cải thiện rất tốt, kể cả so với khu vực và quốc tế.
 
Ở đây, ý nói các sự cố kỹ thuật đúng thật ra không thể loại trừ 100%, không phải do lỗi hệ thống hay không, chúng tôi phải rà soát, chấn chỉnh, đảm bảo cái hệ thống vận hành theo đúng quy định.
 
Máy bay của hãng Vietnam Airlines
 
Vừa qua, chỉ có trường hợp hạ cánh bằng bụng do hạ cánh của phi công (trước kia trực thuộc VNA), còn trong năm nay VNA thì không có, rơi lốp là sự cố nghiêm trọng lại không do lỗi về khai thác và bảo dưỡng.
 
Còn nói "giật gấu vá vai" thì hoàn toàn không phải, một hãng lớn gần 100 chiếc máy bay, giật gấu vá vai thì không thể nào, kết luận vậy hơi phiến diện, chủ quan.
 
Năm vừa qua, VNA hoạt động vẫn có lãi về việc tuân thủ quy định đặc biệt kỹ thuật vẫn tốt.  
 
PV: Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhắc đến luận thuyết phản khoa học “bay vòng kinh tế hơn bay thẳng" do Cục Hàng không và Vụ Vận tải áp đặt, nhưng VNA không chịu đổi mới để hội nhập nên đang tự đánh mất mình. Ông có thể nói rõ hơn về câu chuyện này?
 
Ông Lại Xuân Thanh: Đây là một vấn đề chuyên môn sâu, đường bay hiện nay, về cái hệ thống trục Bắc - Nam thời gian qua từ 5 năm nay, thì Cục hàng không cùng Cục tác chiến lập tổ tối ưu hoa đường bay, phương thức bay, hệ thống mạng đường bay của VNA mấy năm qua đã được tối ưu hóa, rút ngắn đường bay làm tăng tiết kiệm chi phí hàng triệu USD mỗi năm cho hoạt động bay.
 
Còn đề án đề nghị bay thẳng nhưng liên quan đến cả một hệ thống đường bay, an toàn bay, vấn đề tổ chức vùng trời liên quan đến vấn đề hoạt động bay dân sự, bay dân dụng...Thiết lập hệ thống đường bay mang tính tổng thể không chỉ là một đường thẳng đơn thuần, nên không phải nói là làm được ngay.
 
PV: Sau những sự cố này, Cục hàng không và hãng bay VNA có bao giờ làm việc để kiểm điểm lại những sai sót để có những kế hoạch triển khai, giúp công tác bay ngày càng tốt hơn không, thưa ông?
 
Ông Lại Xuân Thanh:  Chúng tôi họp giao ban an toàn hàng tháng nên vấn đề sự cố đều được bình giảng các cấp.
 
Tất cả sự cố thuộc điều tra theo quy định pháp luật thì Cục hàng không tiến hành kiểm tra, còn các sự cố theo quy định chưa đến mức điều tra của Cục hàng không thì các hãng hàng không, các doanh nghiệp, đều phải bình giảng xem xét nguyên nhân rồi đề ra các biện pháp khắc phục phòng ngừa, và đều phải báo cáo kết quả đối với Cục hàng không.
 
Sau đó, chúng tôi tổ chức giao ban với tất cả các tổ chức trong ngành, không phải thấy có nhiều sự cố thỉ tổ chức rút kinh nghiệm.
 
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo