Thị trường

Cuộc bể dâu của tiền đồng

Còn quá sớm để nói rằng đồng tiền Việt Nam đã chiếm được hoàn toàn lòng tin của người dân, đã trở thành phương tiện tích lũy vượt trội so với vàng, ngoại tệ.

Bởi lẽ, hơn hai năm 2012-2013 là thời gian ngắn để làm được điều đó. Nhưng ít nhất tiền đồng đã đi qua được phần nào cuộc bể dâu và đang khẳng định sức mạnh sự ổn định giá trị của nó.

Hai mục tiêu tiên quyết

Cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ông Lê Đức Thúy là người đầu tiên trên cương vị tư lệnh ngành ngân hàng tuyên bố thả nổi có kiểm soát tỷ giá. Vào đầu những năm 2000, tỷ giá tuy không thường xuyên, nhưng vẫn là đề tài nổi cộm của nền kinh tế bởi nhập siêu có chiều hướng gia tăng và vàng nhập lậu chưa có cách nào kiểm soát được. Cứ mỗi lần giá vàng biến động, là y như rằng tỷ giá “nhảy múa”. Cho nên thả nổi có kiểm soát tỷ giá lúc bấy giờ là phương thức điều hành thích hợp.

Sau ông Thúy, những đổi mới của chính sách tỷ giá có phần mờ nhạt. Một số qui định liên quan đến tỷ giá bị khóa trái, trong khi việc kiểm soát thị trường vàng bị buông lỏng. Qui định cho phép các ngân hàng được chuyển đổi 30% vàng huy động thành tiền ban hành năm 2003 và cho phép một số tổ chức tín dụng được mở tài khoản vàng ở nước ngoài đầu năm 2004, vẫn có hiệu lực nhưng NHNN đã hầu như không để ý đến các khía cạnh pháp qui này. Vàng lậu chảy về mỗi khi giá vàng trong nước cao hơn quốc tế và chảy ra khi giá nội địa thấp hơn giá thế giới đã trở nên phổ biến. Chính vàng lậu đã trở thành một trong những yếu tố cơ bản “hoành hành” tỷ giá.

Vàng lậu ngang nhiên đến nỗi, một lần một quan chức cấp cao của NHNN đến làm việc tại một công ty kinh doanh vàng bạc đá quí qui mô nhất, nhì ở phía Nam, chủ tịch hội đồng quản trị đơn vị này đã đề nghị NHNN xem xét lại cơ chế xuất, nhập vàng và có giải pháp chống vàng lậu quyết liệt. Để chứng minh cho sự “ngang nhiên” của vàng lậu, vị chủ tịch đã gọi điện thoại đến một nơi đặt mua 10 kg vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Vàng nguyên liệu đã được đưa đến ngay khi đại diện NHNN vẫn còn ở công ty.

Có nhiều nguyên nhân giải thích cho việc bùng phát các cơn “sốt” vàng, ngoại tệ trong ba năm 2008-2010. Một trong những lý do ẩn mình là một số cán bộ dày dạn kinh nghiệm, có năng lực trong lĩnh vực quản lý ngoại hối, quản lý các tổ chức tín dụng của NHNN đã rời nhiệm sở, chuyển sang công tác khác. Một số người tham gia soạn thảo Pháp lệnh Ngoại hối với tinh thần đổi mới, cởi mở cũng không còn tại vị.

Thời gian đó, thống đốc NHNN hiện nay ông Nguyễn Văn Bình, ngồi ghế phó thống đốc, hầu như im hơi lặng tiếng. Không một lần trả lời phỏng vấn, không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Đầu tháng 4-2011 lần đầu tiên ông có một thông điệp đến thị trường tiền tệ khi trang web của NHNN đăng tải bài viết của ông phân tích một số vấn đề vĩ mô, những mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn mới. Bài này được website của Chính phủ đăng tải lại ngay sau đó.

Thông điệp quan trọng nhất trong bài viết của ông Bình lúc đó là gì? Xin trích nguyên văn: “Việt Nam nên chọn mục tiêu kiềm chế lạm phát; cải thiện và tăng dự trữ ngoại hối là hai mục tiêu tiên quyết cho giai đoạn phát triển hiện nay; các mục tiêu khác phải là các mục tiêu thỏa hiệp, sẽ điều chỉnh một cách thích hợp nhằm đạt được hai mục tiêu tiên quyết nói trên”.

Bảo vệ đồng nội tệ

Trả lời phỏng vấn người viết bài này ngay sau khi nhậm chức tháng 8-2011, ông Bình tuyên bố tỷ giá năm ấy biến động khoảng 1% và bảo vệ tiền đồng. Ông đã dùng từ “bảo vệ” thay cho “ổn định giá trị”. Trao đổi ngoài lề sau đó, ông đề cập đến đề án chuyển đổi của đồng Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế đã hoài nghi điểm này khi họ nhìn thấy cái neo duy nhất hỗ trợ tiền đồng là lãi suất, mà nếu lãi suất cứ trên trời, doanh nghiệp sẽ chết.

Lẽ ra lãi suất đã có thể giảm nhanh hơn nếu câu chuyện thanh khoản của các ngân hàng năm 2012 không trầm trọng đến vậy, kéo theo sự hiện hình của “bóng ma” nợ xấu. Nhưng rõ ràng NHNN đã căng kéo tương đối chuẩn để lãi suất vừa nâng đỡ được tiền đồng, vừa bơm tiền ra mà không tác động đến lạm phát. Dưới ảnh hưởng của lãi suất, đô la Mỹ bắt đầu được nhìn nhận như một đứa con ghẻ. Sự sụt giảm đột ngột của nhập siêu là một nhân tố không thể bỏ qua, nhưng chênh lệch lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng hấp dẫn đến mức người gửi tiền phải tính toán. Thêm vào đó, NHNN tạo ra giá “chết” cho tỷ giá. Nhiều tháng liền, tỷ giá công bố hàng ngày của NHNN không thay đổi.

Cầu cho nhập siêu vắng bóng, trong khi kiều hối, đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vẫn vào, đã làm cung ngoại tệ dồi dào. Song quan trọng hơn cả là khối ngoại tệ dự trữ trong dân bắt đầu vơi nhờ dịch chuyển qua tiền đồng. Chưa bao giờ bộ phận kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng ở trong thời gian khó khăn như vậy. Họ phải cẩn trọng tính toán, bán ngoại tệ lấy tiền đồng nhằm kiếm lời từ chênh lệch lãi suất. Việc mua ngoại tệ của các nhà xuất khẩu rồi bán lại cho NHNN không mang lại bao nhiêu lợi nhuận và nếu không canh trước ngó sau, có thời điểm còn lỗ.

Thời ông Thúy, chênh lệch tỷ giá trong ngân hàng và ngoài chợ đen khoảng 1% được coi là chấp nhận được. Mỗi khi tỷ giá thị trường tự do vượt lên mức này, NHNN cân nhắc can thiệp. Hai năm qua, gió đổi chiều. Tỷ giá chợ đen chạy theo tỷ giá ngân hàng.

Chất xúc tác mạnh nhất trong điều hành tỷ giá đã thay đổi. Trước kia những toan tính vĩ mô có sức nặng kéo nghiêng tỷ giá. Giờ đây tâm điểm tiền đồng mới là trục chính để tỷ giá xoay quanh. Nhìn ra được điểm này mới thấy một vài con sóng lăn tăn trên thị trường ngoại tệ không có ý nghĩa, doanh nghiệp mới yên tâm hoạch định làm ăn, giới đầu tư mới dám giải ngân mà không lo tiền đồng mất giá. Ông Bình sử dụng một từ hơi xếch mé, nhưng cũng không quá đáng, để nói về những con sóng lăn tăn là “muỗi chích”. Thực ra những lần tỷ giá nhấp nhô gần đây đều bắt nguồn từ thị trường ngoại tệ liên ngân hàng với lực cầu bất ngờ khoảng 100-200 triệu đô la Mỹ. NHNN với dự trữ ngoại hối đang ở đỉnh cao kể từ một thập kỷ nay, đủ sức can thiệp. Tuy vậy có những lần họ đứng yên quan sát, chủ yếu để đo lường sức biến động của tỷ giá đến đâu và liệu thị trường tự điều tiết cân bằng được đến đâu.

Sắp tới những biến động quốc tế đã và đang tạo những thuận lợi nhất định cho đồng đô la Mỹ. Các ngoại tệ mạnh đang mất giá trở lại so với đồng bạc xanh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái đô la Mỹ - tiền đồng và việc bảo vệ tiền đồng cũng như gia tăng sức mạnh cho nó sẽ gặp thử thách. Chưa kể dư địa cho lãi suất tiền đồng vùng vẫy không còn nhiều. Điều hành tỷ giá bây giờ sẽ phụ thuộc nhiều vào việc chính sách khơi gợi được đến mức nào sự dung hòa quyền lợi của người nắm giữ tiền đồng và sự đáp ứng một số đòi hỏi của kinh tế vĩ mô như tăng trưởng xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nhất là kiềm chế lạm phát.

Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo