Chứng khoán

Cuộc chơi mới của cổ phiếu thủy sản

Sau khi nhóm cổ phiếu dầu khí bắt đầu phân hóa thì nhóm cổ phiếu thủy sản bước vào cuộc đua tăng trần hàng loạt. Nếu như trước đây, cổ phiếu thủy sản bắt đầu tăng mạnh từ những cổ phiếu hàng đầu, thường được gọi là "vua tôm-vua cá", thì đến nay, nhóm này đã mở rộng trên toàn thị trường.

Trong thời gian qua, TTCK tăng trưởng ổn định thì nhóm cổ phiếu thủy sản cũng cho thấy sức mạnh tăng trưởng theo chiều hướng đi lên. Sự tăng trưởng mạnh mẽ từ khối lượng đến giá trị giao dịch cho thấy dòng tiền đang đổ vào đây để tìm kiếm lợi nhuận.


Một số DN thủy sản kinh doanh cá tra có vẻ như ăn theo đà tăng của dòng tiền chứ không phải là chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh. Có nhiều phiên, hàng chục cổ phiếu tăng trần, trong đó có nhiều cổ phiếu vẫn còn ngập trong thua lỗ và nợ nần.

Cổ phiếu "tôm" nổi sóng

Dòng cổ phiếu thủy sản bắt đầu chạy từ những DN xuất khẩu (XK) hàng đầu về tôm như MPC, FMC và CMX… Theo đó, thông tin quan trọng là giá tôm đạt ở mức cao với lượng XK lớn giúp cho DN chế biến tôm tăng trưởng ổn định kéo dài. Sự tăng giá này được hỗ trợ mạnh bởi các yếu tố tích cực trong lĩnh vực XK tôm.


Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), dự báo XK tôm 2014 có thể vượt mốc 3,5 tỷ USD nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt và thị trường thuận lợi.


Hiện giá tôm đông lạnh cũng đang gia tăng do nguồn ở các nước khác cũng gặp khó khăn. Hơn nữa sức mua của các thị trường Mỹ và EU cũng tăng mạnh nên nhiều DN được hưởng lợi.


Thông thường, vào thời điểm tháng 10 hàng năm là mùa thu hoạch cao điểm tôm chân trắng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên toàn thế giới. Đây cũng là thời điểm mà giá tôm có thể tăng cao khi các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản tăng cường mua hàng.


Các DN sản xuất, chế biến tôm như Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết, trong tháng 8, công ty đã chế biến được 1.045 tấn tôm đông lạnh thành phẩm các loại, đạt doanh số tiêu thụ 15 triệu USD.


Sản lượng tăng 25,2%, doanh số tăng 48,8%. FMC cũng được xếp vào DN ưu tiên trong lĩnh vực hải quan. Cổ phiếu này đã tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp khi NĐT liên tục kỳ vọng về hiệu quả kinh doanh trong những tháng cuối năm.


Nhóm cổ phiếu thủy sản bắt đầu tăng mạnh trên toàn thị trường


Một cổ phiếu đình đám khác được mệnh danh là "vua tôm" Minh Phú - MPC đã bắt đầu bật tăng nhanh và mạnh từ cuối tháng 7 khi tung ra những thông tin hấp dẫn như chia cổ tức 6 tháng đầu năm 2014 bằng tiền tỷ lệ 50% và mạnh tay nới giá mua cổ phiếu quỹ lên đến 100.000 đồng/cổ phiếu nhằm mục đích là hủy niêm yết tự nguyện.


Hiện MPC đã hoàn tất các thủ tục để hủy niêm yết trên Sở GDCK Tp.HCM và hơn 98% vốn điều lệ được nắm giữ bởi 29 cổ đông. Trong 6 tháng đầu năm, MPC đạt 6.244 tỷ đồng doanh thu thuần và 473,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 367,6 tỷ đồng, EPS đạt 5.309 đồng/cổ phiếu.


Với kết quả này, MPC quyết định chia cổ tức 6 tháng đầu năm 2014 tỷ lệ 50% - tương đương 5.000 đồng/cổ phiếu. Đại diện MPC cho biết đang đẩy mạnh XK tôm sang Nga, khi nhu cầu về tôm ở thị trường này đang tăng lên.
 
Cổ phiếu "cá" cũng tung hoành

Thông tin mới nhất cho cổ phiếu ngành cá là thị trường Nga đã được mở rộng. Theo đó, các DN sản xuất cá tra Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh XK sang đây để thay thế nguồn cá thịt trắng từ châu Âu bị hạn chế nhập khẩu vào Nga.


Các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng đây là một cơ hội lớn để các DN Việt Nam bước chân vào thị trường Nga, nâng cao kim ngạch XK thủy sản.


Hiện giá trị XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga trong 7 tháng đầu 2014 đạt 36,2 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này là nhờ Nga đã dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra (chiếm khoảng 40% tổng giá trị) từ Việt Nam.


Cổ phiếu HVG sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi đẩy mạnh XK sang Nga. Theo đó, NĐT kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III/2014 của HVG sẽ khả quan và tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Cổ phiếu TS4 của Công ty CP Thuỷ sản số 4 cũng đã có nhiều phiên tăng trần liên tiếp khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng.


Còn cổ phiếu VHC cũng đã có mức tăng giá lên đến hơn 150% được kỳ vọng vào đợt tăng mới. DN này đã thực hiện nhiều thương vụ mua, bán cho các đối tác trong và ngoài nước.
VHC đã bán Vĩnh Hoàn 1 cho đối tác Philippines với giá 19,6 triệu USD dự kiến sẽ được ghi nhận trong quý III/2014. Mới đây, VHC cũng công bố bán 85% vốn Vĩnh Hoàn Hoa Kỳ với giá 425.000 USD.


Đồng thời, VHC cũng quyết định chi 360 tỷ đồng để mua Công ty CP Thực phẩm XNK Vạn Đức Tiền Giang. Được biết, công ty này sở hữu vùng nuôi cá tra 83,3ha, có khả năng đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu của nhà máy trong năm 2014.


Tín hiệu tăng trưởng của nhiều cổ phiếu thủy sản là rất đáng mừng, nhưng nhiều DN niêm yết trên thị trường vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi vẫn còn thua lỗ khá nặng.


Các cổ phiếu như AVF, VNH, CMX dù đã có những phiên tăng trần, nhưng lỗ lũy kế vẫn đang ở mức cao. Nhiều cổ phiếu khác như AGF, ATA, BLF thì lợi nhuận sụt giảm, khả năng sinh lời rất thấp.


Cho nên, khi những cổ phiếu đầu ngành tăng cao, với mức độ hưng phấn nhất định thì nhiều cổ phiếu yếu kém, làm ăn thua lỗ như trên vẫn có khả năng tăng trần. Điều này cũng chứa không ít rủi ro khi thị trường quay đầu điều chỉnh dù giao dịch vẫn rất sôi động.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo