Cước taxi giảm, nhưng chưa tương xứng
Giá cước của các hãng taxi dự kiến tiếp tục giảm thêm 500 đồng/km và theo các hãng taxi, mức giảm này đã khá cao (?), chưa kể trước đó các hãng đã giảm hai lần với tổng cộng 1.000 đồng/km.
“Giảm như vậy là nhiều rồi”
Ngày 27-1, ông Tạ Long Hỷ - phó tổng giám đốc Hãng taxi Vinasun - cho biết đơn vị này sẽ giảm giá cước taxi thêm 500 đồng/km từ ngày 2-2.
Ông Hỷ cũng phủ nhận thông tin mà một số tờ báo đã đưa về việc các hãng taxi bị Sở GTVT từ chối làm thủ tục kê khai giảm giá cước với lý do giảm giá quá ít so với mức giảm giá xăng dầu. “Việc áp dụng giá mới của chúng tôi chắc chắn sẽ được thực hiện từ ngày 2-2, với mức giảm 500 đồng/km” - ông Hỷ khẳng định.
Theo ông Hỷ, trong cơ cấu giá thành cước taxi của hãng này, xăng dầu chỉ chiếm khoảng 25%, còn lại bao gồm nhiều chi phí khác nhau như lương nhân công, khấu hao xe... do đó mức giảm 500 đồng là khá cao.
“Ngoài ra, mỗi lần thay đổi giá cước trên đồng hồ tính cước phí taxi, công ty phải bỏ ra 600 triệu đồng. Từ tháng 11-2014 đến nay thay đổi ba lần, tổng chi phí cho ba lần này là 1,8 tỉ đồng ai chịu phí này?” - ông Hỷ nói.
Cùng ngày, Hãng taxi Mai Linh cũng cho biết hãng taxi này sẽ tiếp tục giảm giá thêm 500 đồng/km kể từ ngày 29-1.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Chung, giám đốc Sở GTVT TP.HCM, khẳng định không có chuyện từ chối các hãng taxi làm thủ tục kê khai giảm giá cước taxi vì lý do giảm quá ít (500 đồng - PV).
“Giá xăng giảm, giá cước chắc chắn phải giảm theo nhưng giảm bao nhiêu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không phải chỉ dựa vào yếu tố giá xăng” - ông Chung nói.
Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT TP.HCM với Bộ GTVT về tình hình thực hiện giá cước vận tải, cơ quan này cho biết đã có 25/26 doanh nghiệp taxi kê khai lại giá cước với mức giảm từ 3-9%.
Nói về mức giảm giá không đồng đều giữa các doanh nghiệp vận tải, Sở GTVT TP cho rằng trong thời gian từ cuối năm 2013 đến tháng 7-2014 dù xăng dầu trong nước liên tục biến động tăng nhưng đa số doanh nghiệp đều giữ nguyên giá cước.
Do đó, mức giảm giá của các doanh nghiệp cũng khác nhau phụ thuộc vào giá xăng dầu tại thời điểm đăng ký liền kề trước.
Mức giảm vẫn chưa tương xứng
Ông Nguyễn Quốc Chiến, trưởng Ban vật giá Sở Tài chính TP.HCM, cho biết ngay sau khi giá xăng giảm mạnh, sở đã yêu cầu các doanh nghiệp kê khai, giảm giá đợt mới.
Theo đó, cước taxi sẽ phải giảm 500 đồng/km. Cho đến thời điểm này, các đơn vị kinh doanh như Vinasun hay Mai Linh đã thực hiện việc kê khai, giảm giá.
“Sở vẫn đang chờ các doanh nghiệp khác thực hiện việc giảm giá, doanh nghiệp đăng ký và phải thực hiện sớm nhất có thể” - ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, qua các lần giảm giá xăng trước đó, sở cũng chủ động yêu cầu các doanh nghiệp taxi giảm giá tổng cộng ba đợt với mức giảm là 1.500 đồng/km.
Sau hai đợt giảm, cước taxi của các hãng lớn đã giảm được 1.000 đồng/km. Cụ thể, cước taxi của Vinasun loại 4 chỗ từ 16.500 đồng cho kilômet đầu tiên nay còn 15.500 đồng. Nếu tiếp tục giảm thêm 500 đồng/km như cam kết, tổng mức giảm đạt 1.500 đồng/km, tương đương giảm 9,09%.
Trong khi đó, từ đỉnh cao tháng 7-2014 tới nay, xăng dầu trong nước đã giảm từ 25.640 đồng/lít xuống còn 15.670 đồng/lít, tương đương giảm 38,9%. Theo tính toán của giới vận tải, xăng dầu chiếm khoảng 39% giá thành cước taxi.
Theo ông Dương Tiến Thự, giám đốc HTX vận tải du lịch 27-7 với thương hiệu taxi cùng tên, giá thành cước taxi chưa tới 13.000 đồng/km. “Đó là mức giá hợp lý với tất cả các hãng taxi và tất cả vẫn có lãi ở ngưỡng này” - ông Thự khẳng định.
Tính theo cách này, xăng dầu chiếm 5.057 đồng cho mỗi kilômet xe chạy. Xăng đã giảm 39,27%, tính ra cước phải giảm ít nhất 1.986 đồng/km. Như vậy, với mức giảm tính cả lần sắp tới, các hãng taxi vẫn còn giữ lại được ít nhất 486 đồng/km nhờ xăng dầu hạ. Khoản tiền này đã không được trừ cho người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất