Cuối năm càng khó vay vốn kinh doanh
Giám đốc một công ty sản xuất cà phê chua chát kể, trước đây do mạnh tay vay tiền ngân hàng để mở rộng quy mô, xây nhà máy, trong khi không lường hết được sự biến động lãi suất. Từ mức khởi điểm lãi vay 16% vọt lên 22% trong nửa đầu năm 2012, cộng các chi phí khác tổng cộng lên gần 45%.
Trong bối cảnh khó khăn như năm qua, công ty ông không thể nào kinh doanh sinh lời chừng ấy phần trăm để trang trải hoạt động khiến đơn vị mất cân đối nguồn vốn, nay lâm vào cảnh nợ nần, lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng(dù hiện nay đã giảm xuống 15%).
"Giờ chúng tôi có muốn gõ cửa ngân hàng để vay vốn ngắn hạn chuẩn bị cho kỳ sản xuất năm tới cũng chẳng nhà băng nào cho do không đủ điều kiện. Vậy thì lãi suất giảm hay không chẳng có ý nghĩa gì với chúng tôi cả", ông tâm sự.
Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam Văn Thành Huy thông tin, hiện nay chỉ một số ít thành viên trong hội tiếp cận được khoản vay của ngân hàng với lãi suất 12-13% một năm, phần lớn còn lại rất khó tiếp cận được. Nguyên nhân là điều kiện xét duyệt của các nhà băng thường dựa vào công nợ, hoặc các báo cáo tài chính lời lỗ....
Theo ông Huy, trong bối cảnh này, khó có doanh nghiệp nào kinh doanh không thua lỗ. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp ban đầu được nhà băng hứa hạn mức cho vay 100 tỷ đồng, thậm chí 200 tỷ, sau đó giảm xuống 50 tỷ đồng, và cuối cùng là 0 tỷ... vì không đủ điều kiện vay. "Với điều kiện xét duyệt của ngân hàng, chỉ có doanh nghiệp nào mới thành lập may ra đủ điều kiện vay", ông chia sẻ.
Ông Huy cho biết thêm, bản thân doanh nghiệp ông có các khoản vay cũ tại ngân hàng được giảm về 15% từ hôm tháng 7 cho tới nay và chưa thấy giảm thêm (trước đó 22,8%). Còn hiện giờ không được vay các khoản mới nên phải huy động vốn từ nhân viên và bạn bè. "Do đó, việc giảm trần ngắn hạn vừa qua có chăng chỉ là tác dụng tinh thần để những cá nhân cho vay vốn này giảm lãi suất xuống cho doanh nghiệp", ông bộc bạch.
Chung quan điểm, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc trần huy động ngắn hạn giảm 1% không có tác dụng. Bởi lẽ, hiện nay trần cho vay vẫn không bị khống chế nên việc giảm lãi suất cho vay phần lớn phải phụ thuộc vào thỏa thuận của ngân hàng với doanh nghiệp.
"Chỉ với những doanh nghiệp lớn, khỏe, có hoạt động kinh doanh tốt thì may ra họ mới tiếp cận được vốn 10-12% mỗi năm. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này chỉ đếm trên đầu ngón tay", ông thông tin.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong khi đó, theo vị phó chủ tịch này, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều không đủ điều kiện vay vốn do kinh doanh không có lời, báo cáo tài chính thua lỗ. Còn nếu đơn vị nào đủ điều kiện vay thì cũng chẳng dám vay do hàng tồn kho nhiều, không mở rộng được thị trường...phải co cụm lại và chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có để duy trì hoạt động cầm chừng.
Nhìn về tương lai năm tới, ông Hưng hy vọng gói giải pháp của Chính phủ sẽ sớm được triển khai và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, ông không giấu khỏi nỗi lo lắng khi cho rằng, sức khỏe của các doanh nghiệp Việt Nam hiện quá yếu, trong khi các doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế hơn (lãi suất vay bên nước họ thấp) đang trỗi dậy mạnh mẽ. "Chính phủ cần có những chính sách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tránh để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nội trở thành người làm thuê cho doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà", ông nói.
Dù rất chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhưng tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 cho rằng, trong bối cảnh cả nền kinh tế tìm cách xử lý nợ xấu, nhà băng cũng phải thận trọng trong việc cho vay. Hiện nay nhà băng ông không hướng đến tăng trưởng tín dụng mà chỉ ưu tiên cho an toàn hệ thống.
"Do đó, ngân hàng chỉ ưu tiên mức giảm cho những doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng tốt. Việc xếp hạng này do chính trung tâm tín dụng của ngân hàng thực hiện một cách khắt khe", ông nhấn mạnh. Ông cũng thông tin, hiện nay để tìm doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn (như có hoạt động lành mạnh, có nguồn vào ra ổn định)... thực sự là rất ít.
Lãnh đạo Ngân hàng Phương Đông thừa nhận, thực tế hiện nay việc giảm lãi suất cho vay xuống 12-13%, hoặc thấp hơn chỉ có thể áp dụng cho vài trường hợp là khách hàng tốt và có mối quan hệ quen biết chứ chưa thể áp cho đại trà.
Cũng trên tinh thần ấy, lãnh đạo một ngân hàng có trụ sở trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, dù đơn vị ông công bố lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh 11-15% mỗi năm, thậm chí mảng nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu dưới 10% nhưng chỉ có thể áp dụng cho doanh nghiệp được nhà băng chọn lọc hoặc doanh nghiệp xuất khẩu cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng với tỷ giá do nhà băng ấn định.
"Từ đầu tháng đến nay, cũng chỉ có vài ba trường hợp đủ điều kiện vay. Có thể qua năm tới, chúng tôi sẽ xem xét mở rộng điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn", ông nói.
Trong buổi gặp mặt báo chí mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến ngày 20-12-2012 dư nợ cho vay tiền đồng có mức lãi suất trên 15% mỗi năm chiếm tỷ trọng 18,7%, giảm so với mức 65% trước ngày 15-7. Tín dụng cả năm nay ước tăng 7% so với cuối năm 2011, trong đó tín dụng bằng VND tăng 8,92%, tín dụng bằng ngoại tệ 3,51%.
Đoàn Huế (Theo VnExpress)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)