Cuối năm, tỷ giá bất ngờ 'căng'
NHNN cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá 2%
Tỷ giá USD/VND niêm yết chính thức chiều 25/12 tại các ngân hàng và ngoài thị trường tự do vẫn nhích dần. Mức tăng cao nhất được ghi nhận tại DongABank, khi tỷ giá được niêm yết ở mức 21.375 - 21.445 đồng/USD, tương ứng chiều mua vào - bán ra, tăng tới 15 đồng/USD so với ngày 23/12.
Còn tại Vietcombank, giá USD được niêm yết ở mức 21.360 - 21.405 đồng/USD, Eximbank niêm yết 21.360 - 21.430 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD cả ở chiều mua và bán so với 2 ngày trước đó. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN niêm yết ở mức 21.246 đồng/USD. Tỷ giá tại Sở Giao dịch NHNN là 21.200 - 21.400 đồng/USD.
Tỷ giá ngoài thị trường chợ đen có phần tăng mạnh hơn, khi giá mua vào là 21.500 đồng/USD và bán ra 21.650 đồng/USD trong trưa ngày 25/12, tuy có giảm 5 đồng/USD so với ngày 23/12, nhưng tăng đến 65 đồng/USD so với cuối tuần trước.
Nhân viên một tiệm vàng tại chợ Bàn Cờ (quận 3, TP. HCM), nơi có quầy thu đổi ngoại tệ cho biết, giá USD đang biến động nên mua thời điểm nào, quầy sẽ chốt giá, chứ không báo giá trước dù là số lượng nhiều.
Nhận định về nguyên nhân biến động của tỷ giá ngoại tệ trong những ngày gần đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho rằng, chỉ là do yếu tố tâm lý, còn nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp dịp cuối năm tuy có tăng, nhưng không đến mức căng thẳng và vẫn được đáp ứng.
Đánh giá về điều hành thị trường ngoại hối năm qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định, chính sách tỷ giá được điều hành nhất quán, chủ động dẫn dắt thị trường, tạo điều kiện giảm tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế, củng cố niềm tin vào tiền đồng và tăng dự trữ ngoại hối. Năm 2014, NHNN đặt mục tiêu kiểm soát tỷ giá trong biên độ 2%, song đến giữa năm, NHNN mới một lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, lên 21.246 đồng/USD.
Phát biểu trước Quốc hội hồi cuối tháng 9/2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp, thị trường tiền tệ ổn định, tỷ giá biến động trong phạm vi cho phép. Dự trữ ngoại hối cũng được công bố đạt mức kỷ lục, tăng từ khoảng 7 tỷ USD năm 2011 lên 35 tỷ USD, theo thông tin công bố hồi tháng 9. Đồng thời, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2015 diễn ra ngày 24/12 vừa qua, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết, tỷ giá USD/VND năm 2015 sẽ được kiểm soát trong biên độ không quá 2%.
Có một diễn biến đáng chú ý trên thị trường ngoại tệ gần đây là, NHNN đã dập tắt thông tin đóng cửa đối với tín dụng ngoại tệ. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chính thức cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu, xăng dầu được vay ngoại tệ đến hết năm 2015. Trên cơ sở đánh giá thị trường ngoại tệ và mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm sau, NHNN sẽ tiếp tục cho các tổ chức tín dụng được tự quyết cho vay với 2 nhu cầu vay ngắn hạn nhập khẩu xăng dầu và phục vụ sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.
Trước đó, Thông tư 29/2013 của NHNN quy định các ngân hàng được cho vay ngoại tệ với bốn nhóm nhu cầu, gồm vay ngắn hạn - trung và dài hạn để thanh toán nhập khẩu, vay ngắn hạn nhập khẩu xăng dầu, vay ngắn hạn để sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu và vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhu cầu vay nhập khẩu xăng dầu và vay để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu chỉ được đáp ứng đến hết ngày 31/12/2014.
Cuối tuần này hoặc sang tuần sau, NHNN sẽ có văn bản chính thức thay thế Thông tư 29. Về lộ trình sắp tới, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời điểm này chưa thể nói cụ thể, nhưng sẽ cân nhắc nhiều khía cạnh.
“Phải chuyển dần từ quan hệ cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán. Thông tư 29 là một phần trong lộ trình, các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay với các nhu cầu có ngoại tệ để trả nợ”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Có tiếp tục kìm chế được tỷ giá?
Trao đổi với PV, giám đốc một DN xuất khẩu gỗ tại TP. HCM cho biết, nhu cầu của khách hàng trong dịp cuối năm có dấu hiệu tăng, công ty ông vừa nhận thêm 2 đơn đặt hàng. Vì thế, công ty cần thêm vốn vay để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, thanh toán cho đối tác khi nhập khẩu nguyên liệu, song ông chỉ chọn vay ngoại tệ để tránh chi phí lãi vay cao, do có nguồn ngoại tệ cân đối.
Dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trong 2 quý giữa năm 2014 và tính đến ngày 22/9, tín dụng ngoại tệ tăng trên 20,77%, cao gấp 5 lần tín dụng tiền đồng. Riêng tại TP. HCM, số liệu từ NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, đến cuối tháng 11/2014, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ tăng 9,35% so với đầu năm 2014, chiếm trên 10% tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn. Vì thế, trước thông tin Thông tư 29 về cho vay bằng ngoại tệ của NHNN sẽ hết hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc đối tượng vay ngoại tệ có thể bị co hẹp, nên nhiều DN lo ngại tranh thủ đi vay và mua USD!?
Trên thực tế, nhu cầu ngoại tệ về cuối năm thường cao hơn các tháng trong năm; đồng thời, các NHTM có xu hướng giảm bớt trạng thái ngoại hối gần đây để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, theo nhận định của HSBC, thị trường dự kiến sẽ không có sự chênh lệch cung - cầu quá lớn, bởi cuối năm cũng thường là mùa cao điểm của dòng tiền kiều hối. Kiều hối về Việt Nam năm nay được dự báo sẽ không thấp hơn mức 11 tỷ USD của năm trước. Về vốn tín dụng ngoại tệ, chưa thấy nhu cầu nào bất thường từ phía DN. Các DN vay ngoại tệ phải chứng minh được rằng, họ có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ. Số lượng DN có thể đáp ứng được điều kiện này cũng không đáng kể.
Dù thế, các dự báo đưa ra, áp lực thanh toán trong mùa cuối năm của DN cộng với sự hồi phục của đồng USD sẽ tạo sức ép lên tiền đồng. Đồng bạc xanh thiết lập mức cao nhất so với yen Nhật trong vòng 7 năm qua. Trong khi đó, tỷ giá EUR/USD cũng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012. Đáng chú ý, nhiều chuyên gia tài chính nước ngoài nhận định, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD trở lại khi dấu hiệu hồi phục kinh tế dần rõ nét. Điều này sẽ tạo áp lực lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Nếu quan sát các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ, có thể thấy, NHNN đang có những biện pháp can thiệp vào thị trường để VND có thể cạnh tranh được với các đồng tiền khác trong khu vực. Hiện tại NHNN mới tạo được niềm tin của người dân vào tiền đồng và cần tiếp tục củng cố niềm tin của người dân trước khi thả nổi hoàn toàn VND. Do vậy, việc kiểm soát tỷ giá của NHNN hiện nay được các chuyên gia đánh giá là cần thiết để tăng dự trữ ngoại hối.
Thời gian qua, NHNN đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá có kiểm soát và sẽ được duy trì trong năm sau, nhưng theo ANZ, khả năng biên độ điều chỉnh có thể đạt 3%, thay vì tối đa 2% như NHNN đưa ra. Tuy nhiên, điều đó còn tùy thuộc vào tình hình lạm phát trong nước, bởi NHNN, Chính phủ xác định ưu tiên cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm ổn định tỷ giá.
Việc tỷ giá có thể được điều chỉnh tăng 1-2% so với hiện nay, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, không hẳn có ảnh hưởng tiêu cực. Việc VND giảm giá sẽ hỗ trợ cho các DN xuất khẩu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao