Cựu Chủ tịch Hà Nội không trả nhà công vụ: Xem thường uy tín
Nếu ông Nghiên không trả nhà mà UBND thành phố Hà Nội vẫn loay hoay với các phương án được đưa ra đều bị ông Nghiên không chấp nhận sẽ thể hiện sự xem thường uy tín của chính bản thân ông Nghiên...
Trước thông tin cựu Chủ tịch Tp Hà Nội, về hưu nhiều năm vẫn chưa trả nhà công vụ, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn luật sư Phạm Công Út, xung quanh vấn đề này.
Thưa luật sư, dự luận vừa nóng lên chuyện thu nhà của ông Trần Văn Truyền (Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ) giờ lại đến chuyện việc Cựu Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Hoàng Văn Nghiên không chịu trả lại nhà công vụ. Quan điểm của luật sư như thế nào?
Theo quy định của Nghị định 34/2013 thì nhà công vụ là nhà cho thuê thuộc sở hữu nhà nước, được xác lập bằng một hợp đồng. Vấn đề ở đây là một quan chức được dân bầu ở cấp thành phố, nên từ đó dù đã nghỉ hưu từ lâu nhưng người thuê nhà vẫn không giao trả nhà công vụ lại cho nhà nước. Tôi cho rằng hành vi này là đáng lên án vì chiếm quỹ nhà ở, nhà công vụ của những người khác cũng ở vị trí được hưởng chế độ thuê nhà công vụ đã phải chịu thiệt thòi.
Đứng từ góc độ pháp luật, việc không trả nhà công vụ và yêu cầu được thuê biệt thự khác của ông Nghiên cần nhìn nhận ra sao, thưa luật sư?
Theo quy định tại điểm g, khoản 3, điều 20 Nghị định 34/2013 thì ông Nghiên phải “Trả lại nhà ở thuê khi vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng mà thuộc diện phải trả lại nhà ở hoặc khi bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi nhà ở hoặc khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở theo quy định;
Và cũng tại khoản 8, điều 19 của Nghị định 34/2013 thì UBND thành phố Hà Nội có quyền “Thực hiện thu hồi nhà ở theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Nghị định này”.
Như vậy, khi ông Nghiên về hưu thì ông Nghiên đã không còn thuộc đối tượng được tiếp tục thuê nhà công vụ theo quy định tại Nghị định này.
Nếu ông Nghiên không trả nhà mà UBND thành phố Hà Nội vẫn loay hoay với các phương án được đưa ra đều bị ông Nghiên không chấp nhận sẽ thể hiện sự xem thường uy tín của chính bản thân ông Nghiên, đồng thời ông Nghiên cũng mặc nhiên xem thường pháp luật. Cần căn cứ vào “Hợp đồng thuê nhà” giữa hai bên để thanh lý. Việc bố trí cho ông Nghiên có được nhà thuê khác là “quyền” chứ không là nghĩa vụ của bên cho thuê.
Theo quy định pháp luật, với quan chức từ chủ tịch tỉnh trở lên khi về hưu sẽ được hưởng chế độ như thế nào về nhà ở?
Họ chỉ được mua nhà theo quy định tại Nghị định 34/2013 chứ không phải được cấp nhà.
Trong trường hợp ông Nghiên yêu cầu nhà nước xây biệt thự cho ông thuê, đòi hỏi này có đúng không?
Yêu sách này của ông Nghiên đòi nhà nước xây biệt thự cho ông thuê hoàn toàn không có căn cứ pháp luật. Tất cả các Bộ trưởng, Thứ trưởng, chủ tịch UBND thành phố đều phải trả nhà công vụ khi phải thuyên chuyển nơi làm việc hoặc nghỉ việc, về hưu…
Phải chăng, bên cạnh đó còn có nguyên do là sự nể nang của cơ quan quản lý nhà, thưa luật sư?
Thông thường người kế nhiệm của hầu như ngành nghề hay lãnh vực nào cũng thường có sự cả nể lẫn kính trọng đối với những người tiền nhiệm. Nhưng nếu vì sự cả nể đó mà làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của nhà nước, của nhân dân thì đó là hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi thi hành công vụ. Sự việc không nên đẩy đi xa hơn, tạo dư luận bất bình trong xã hội. Theo tôi, UBND thành phố Hà Nội cần xử lý quyết liệt, đến nơi đến chốn để xây dựng niềm tin cho người dân.
Câu chuyện quan chức về hưu không chịu trả nhà công vụ đang đặt ra vấn đề gì về luật pháp?
Theo quy định của khoản 9 điều 37 Nghị định 34/2013 thì UBND thành phố Hà Nội có quyền: “Ban hành quyết định thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được giao quản lý trên địa bàn quản lý và tổ chức cưỡng chế thu hồi”. Như vậy, luật pháp thì đã có nhưng việc thực thi là do cơ quan quản lý nhà nước có thực hiện hay không, hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí của bên thuê nhà công vụ.
Luật sư có đồng tình với ý kiến của một Đại biểu Quốc hội đề xuất nên đưa hành vi “không trả nhà công vụ” là một hành vi tham nhũng không?
Hành vi tham nhũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ Luật hình sự quy định. Không nên “hình sự hóa” các giao dịch dân sự, vì dù sao việc thuê nhà công vụ được xác lập bằng một hợp đồng thuê, có quyền và nghĩa vụ giữa bên thuê và bên cho thuê.
Có chăng, trong quá trình cưỡng chế thu hồi nhà công vụ nếu có sự chống đối của người có nghĩa vụ giao trả nhà thì lúc đó có thể xem xét việc khởi tố những người ấy về hành vi “Chống người thi hành công vụ” hoặc hành vi “Giết người” mà thôi.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
8 chương trình đào tạo của trường Đại học Đông Á được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng
Lễ hội Áo dài Đà Lạt 2024 với nhiều điểm nhấn độc đáo
Cột tin quảng cáo