Cứu doanh nghiệp là cứu cả nền kinh tế
Nhận định về tình hình kinh tế hiện nay, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng “rất đáng lo ngại và cấp bách”. Đối với nhiều DN, nếu hết năm nay không cải thiện được tình hình thì e rằng có cứu cũng quá muộn.
Theo ông Ngân, nếu như năm 2012 là khó khăn, đáng lo ngại thì đến bây giờ tình hình là vô cùng khó khăn và vô cùng đáng ngại. Nếu như các năm trước, khó khăn từ kinh tế thế giới là một nhân tố tác động tới trong nước, thì nay khó có thể coi đó là nguyên nhân khiến tình hình kinh tế trong nước không ấm lên vì bị ảnh hưởng bởi khách quan.
Từ trước đến nay, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam là kinh tế phụ thuộc, bị ảnh hưởng nhiều bởi thế giới. Điều này cũng có phần đúng, tuy nhiên nếu điểm lại các con số thì có lẽ tình hình đã khác. Bởi năm 2012, kinh tế thế giới đã tăng trưởng trở lại với tốc độ 3,2% và dự kiến năm nay là 3,3%. Các nước trong khu vực năm ngoái tăng trưởng bình quân 5,5- 5,6%, trong khi chúng ta chỉ đạt 5,03%.
Tín hiệu không vui khi số các DN phá sản ngày một nhiều. Mặc dù số DN đăng ký thành lập mới cũng tương đương, nhưng trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi: Chúng ta phải làm rõ ra, số DN thành lập mới, đâu là số mới thực sự, đâu là những DN thành lập để hưởng ưu đãi… Trong khi đó, nông nghiệp vốn là chỗ dựa của cả nền kinh tế nhiều năm qua thì nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 2,24%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm gần đây (2010 tăng 4,08%; 2011 tăng 3,35%; 2012 tăng 2,81%)...
Nhiều dấu hiệu đáng lo ngại của nền kinh tế đã bộc lộ. Tuy nhiên, vẫn dành phần lớn sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đó là tình trạng “sức khỏe” của các DN. Có đại biểu cho rằng, cứu DN có nghĩa là cứu cả nền kinh tế. DN làm ăn có lãi sẽ giải quyết được lao động, giải quyết hàng tồn kho, tăng tổng cầu… và quay trở lại DN sẽ có đóng góp cho ngân sách.
Theo nhận định của ông Trần Hoàng Ngân, khu vực hiện đang gay go nhất là DN. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội sụt giảm nghiêm trọng. Theo kế hoạch phải đạt 33,5% GDP nhưng chỉ thực hiện được hơn 28% trong năm 2012, trong đó giảm mạnh nhất là khu vực dân doanh, chỉ thực hiện được 64% kế hoạch. “Điều này cho thấy tinh thần doanh nhân, niềm tin của họ vào chính sách sa sút nên họ chưa tìm thấy cơ hội tốt để đầu tư”, ông Ngân lý giải.
Để giải quyết tận gốc vấn đề, theo nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội, tất cả các chính sách, giải pháp đã có sẵn, thậm chí có từ rất sớm (ngay từ đầu năm Chính phủ đã ra liên tiếp 2 Nghị quyết 01 và 02), nhưng đi vào giải quyết sự vụ cụ thể còn chưa rõ ràng. Chính vì thế, kết quả vẫn chưa được cải thiện là mấy. Số lượng DN ngừng hoạt động, phá sản cứ ngày một tăng lên. Năm 2010 có 43.000 đơn vị ngừng hoạt động, phá sản. Con số của 2011 là trên 53.000, 2012 trên 54.000. Ba tháng đầu năm nay, mỗi tháng có 4.900-5.000 và tổng số đến nay đã là 20.000.
Tỏ ra khá sốt ruột, trong phiên thảo luận sáng 22-5, đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị phải có biện pháp triệt để, xử lý nhanh, đi đúng, trúng đối tượng cần được giúp đỡ, thụ hưởng. Bởi theo ông, nói “suông” hiện không có tác dụng, DN không còn tin nữa và do đó, phải có biện pháp mạnh và cụ thể để lấy lại niềm tin của người dân và của DN.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, nhìn vào số liệu năm 2012: 69% DN báo cáo lỗ, con số lớn nhất từ trước đến nay; số ngừng hoạt động, phá sản vẫn gia tăng cho thấy tình hình khẩn cấp. “Hết năm nay mà tình hình vẫn chưa được cải thiện thì e rằng có cứu cũng quá muộn!”, ông Ngân cảnh báo.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang hội trường Quốc hội, ông Ngân cho rằng, nếu muốn cứu DN, thì phải nghĩ đến chính sách tài khóa. Bởi chính sách tiền tệ không còn dư địa nữa và lãi suất có hấp dẫn chăng nữa thì cũng không hấp dẫn DN khi DN không có khả năng hấp thụ vốn nữa.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo