Cựu giám đốc Eximbank Sài Gòn ra tòa, điều tra bổ sung Liên kết Việt lừa đảo
Cựu giám đốc Eximbank Sài Gòn hầu tòa
Sáng 14/6, TAND TP. HCM đã đưa vụ án "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xét xử sơ thẩm đối với 3 bị cáo: Huỳnh Thị Trinh (SN 1972, nguyên Giám đốc Ngân hàng Thương mại xuất nhập khẩu Việt Nam chi nhánh Sài Gòn (viết tắt là Eximbank Sài Gòn), Phạm Duy Hiển (SN 1981, nguyên Phó trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp Eximbank Sài Gòn) và Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1985, nguyên Cán bộ tín dụng Eximbank Sài Gòn), theo tin tức trên báo Người lao động.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, tháng 1/2011, Đặng Bạch Helen (quốc tịch Mỹ, đang bị truy nã)-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Milano Vina thành lập Công ty Gia Phát Thành và thuê bà Trương Hoàng Linh làm giám đốc, đặt trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP. HCM.
Đầu năm 2012, do hạn sử dụng hạn mức tín dụng tại Eximbank Sài Gòn sắp hết nên Helen liên hệ và đặt vấn đề tiếp tục vay vốn, để kinh doanh hàng thời trang cao cấp của các hãng nổi tiếng trên thế giới từ Ý về bán tại số 88 Đồng Khởi, quận 1, TP HCM.
Trinh đã đồng ý và chỉ đạo Hiển thẩm định hồ sơ tín dụng. Hiển phân công cho Hằng xác minh hồ sơ pháp lý, lập báo cáo thẩm định tín dụng đối với Công ty Gia Phát Thành.
Dựa trên hồ sơ ban đầu, Hiển đã kiểm tra và ký duyệt đồng ý. Sau đó Trinh đã chủ trì cuộc họp xét duyệt hồ sơ vay của Công ty Gia Phát Thành và phê duyệt đồng ý giải quyết cấp hạn mức vay 140 tỉ đồng, mở L/C (thư tín dụng) trả ngay 10 triệu USD.
Sau khi hồ sơ được Hội sở Eximbank duyệt, ngày 27/4/2012, Trinh và Trương Hoàng Linh đã ký kết Hợp đồng tín dụng hạn mức 150 tỉ đồng. Căn cứ vào hợp đồng này, Eximbank Sài Gòn đã giải ngân cho Công ty Gia Phát Thành 61 lần thanh toán quốc tế cho các đối tác ở nước ngoài đã bán hàng cho Công ty Gia Phát Thành.
Do Đặng Bạch Helen lợi dụng, sử dụng sai mục đích vốn vay để buôn lậu và bị tịch thu hàng hóa, nên mất khả năng thanh toán với Eximbank Sài Gòn số tiền 134,6 tỉ đồng.
Điều tra bổ sung Liên kết Việt lừa đảo
Ngày 17/6, VKSND Tối cao trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt là Liên Kết Việt) cùng đồng phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 67.000 nhà đầu tư, báo Zing news đưa tin.
Theo đó, VKSND Tối cao đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp phép, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa là thực phẩm chức năng được Công ty Liên Kết Việt sử dụng để kinh doanh đa cấp.
Ngoài ra, VKS cũng đề nghị cơ quan điều tra làm rõ việc chi tiêu khoản tiền 718 tỷ đồng mà công ty đa cấp này đã thu từ các nhà đầu tư.
Hơn 2 tháng trước, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra kết luận điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra Công ty Liên Kết Việt và các đơn vị khác có liên quan.
Trong số 7 người bị đề nghị truy tố có ông Lê Xuân Giang (46 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt), ông Lê Văn Tú (32 tuổi, Tổng giám đốc) và bà Nguyễn Thị Thủy (47 tuổi, Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng nhóm quản lý phát triển kinh doanh).
Bằng các thủ đoạn gian dối, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở 61 chi nhánh, đại lý tại 27 tỉnh thành, lôi kéo 66.880 người tham gia ký hợp đồng với tổng số tiền hơn 2.091 tỷ đồng.
Cảnh sát xác định Giang đã chi hơn 1.113 tỷ đồng cho các hoạt động của công ty. Trong số hơn 978 tỷ đồng còn lại, Chủ tịch HĐQT Liên Kết Việt phải chịu trách nhiệm hơn 871 tỷ đồng, Nguyễn Thị Thuỷ bị cáo buộc đã hưởng lợi 36,4 tỷ đồng.
Đến nay, cơ quan điều tra đã tạm giữ gần 148 tỷ đồng của Lê Xuân Giang (chưa tính tài sản kê biên). Bị can này không nhớ hết các khoản chi liên quan đến số tiền đã chiếm đoạt.
Bắt giữ xưởng sản xuất làm con dấu giả cực lớn ở Hà Nội
Ngày 15/6, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam Hà Văn Nghĩa (trú tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa), Trần Văn Cường (trú tại Phổ Yên, Thái Nguyên), Dương Mạnh Long và Hoàng Lâm cùng trú tại Hà Nội để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, báo Tuổi trẻ đưa tin.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ năm 2015, Nghĩa đã sử dụng một ngôi nhà tại quận Hà Đông làm “xưởng” sản xuất các loại giấy tờ giả. Nghĩa đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mua các loại máy photocopy dùng để in sao các loại bằng cấp, hồ sơ giả.
Để bán các loại giấy tờ giả sản xuất được, Nghĩa sử dụng các “chân rết” là Cường, Long và Lâm đăng thông tin quảng cáo làm giấy tờ giả trên các tài khoản facebook, zalo.
Mỗi một bộ hồ sơ, giấy tờ giả được nhóm của Nghĩa bán với giá từ 500.000 đồng đến 25 triệu đồng tùy từng loại. Theo tài liệu điều tra, từ năm 2015 đến nay nhóm này đã sản xuất và bán gần 2.000 bộ hồ sơ, giấy tờ giả các loại cùng mẫu dấu, con dấu của cơ quan Nhà nước, đơn vị Công an, Quân đội, các trường đại học, công ty trong và ngoài nước…
Hơn 100 giang hồ vác kiếm làm loạn quán karaoke
Chiều 15/6, Đại tá Phùng Tất Thành - Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh Lâm Đồng) cho biết, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường nắm tình hình, chỉ đạo công tác điều tra, làm rõ vụ hơn 100 côn đồ mang đao, kiếm đập phá quán karaoke, đánh người xảy ra tại huyện Di Linh, theo tin tức trên báo VietnamNet.
Cũng theo Đại tá Thành, cùng ngày, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn (Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng) đã chủ trì cuộc họp 3 ngành Công an, VKS và Tòa án đánh giá vụ việc.
Trước đó, vào lúc 10h ngày 13/6, hơn 100 đối tượng đi trên 6 xe ôtô đã kéo tới cơ sở lưu trú, dịch vụ karaoke Hoàn Xuyến, thôn 5, xã Tân Lâm, huyện Di Linh, do gia đình anh Nguyễn Văn Hoàn (43 tuổi) làm chủ để “giải quyết mâu thuẫn”.
Do không gặp được Nguyễn Văn Hoàn và em ruột là Nguyễn Văn Hiệp, nhóm côn đồ này chuyển sang hành hung con anh Hoàn là em Nguyễn Việt Anh (16 tuổi), khiến nạn nhân bị thương nặng, sau đó được gia đình chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cấp cứu.
Ngoài ra, các đối tượng trên còn lấy 1 điện thoại Iphone 5s của con gái anh Hoàn, đập phá, gây hư hỏng 2 tivi, 1 CPU máy tính để bàn, cửa kính, 2 camera quan sát đặt tại quán, gây thiệt hại một số đồ tài sản khác. Bước đầu, cơ quan Công an đã xác định được BKS của 6 chiếc xe ôtô dùng để chở hơn 100 đối tượng này đi gây án.
Thu giữ 12kg cần sa ở sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 15/6, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Cục Hải quan TP.HCM cho biết đã phối hợp với các đơn vị liên quan bắt giữ 2 vụ nhập lậu cần sa từ Mỹ về với số lượng gần 12kg, báo VOV đưa tin.
Các đối tượng đã sử dụng những thủ đoạn mới, hết sức tinh vi bằng cách giấu cần sa bên trong các bịch trái cây khô đã được hút chân không, để lẫn trong các thùng hàng quần áo, đồ hộp, bánh kẹo... rồi gửi về Việt Nam dưới dạng quà biếu, tặng.
Từ năm 2014 đến nay Chi cục Hải quan sân bay TSN đã xử lý hơn 300 vụ vi phạm, có trị giá hàng vi phạm trên 166 tỷ đồng. Ngoài ra, Chi cục còn bắt giữ 26 vụ ma tuý các loại như cocain, heroin, methphetamin (ma tuý đá)… có tổng trọng lượng trên 100kg và hơn 1 tấn lá Khát chứa chất Cathione cực độc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo