Thị trường

Cứu ngành cá tra không thể chỉ bằng tiền

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất về gói tín dụng cấp bách khoảng 9.000 tỉ đồng giải cứu ngành cá tra. Theo đề xuất, các đối tượng thụ hưởng sẽ bao gồm người nuôi và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do giá cá giảm, thiếu vốn, bế tắc đầu ra.

Chưa rõ Thủ tướng Chính phủ có chấp thuận đề xuất hay không, nhưng nhiều ý kiến cho rằng thị trường đầu ra đang quá xấu, cộng thêm bất ổn nội tại của ngành, thì việc tung ra một số tiền lớn như vậy vào thời điểm này, chưa hẳn giúp người nuôi và doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn.

 

Hiện nay, không chỉ cá tra mà hầu hết các mặt hàng thuỷ sản khác đều gặp khó khăn đầu ra, giá có xu hướng giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do khủng hoảng kinh tế, nợ công lan rộng kéo theo đồng tiền nội địa ở các quốc gia nhập khẩu mất giá.

 

Sở dĩ giá cá tra xuất vào thị trường EU từ trên 3 USD hồi đầu năm nay giảm còn 2,2 – 2,5 USD/kg là bởi đồng euro mất giá tới 25% so với cùng kỳ. Ở khu vực Nam Mỹ, đồng tiền của hai quốc gia nhập khẩu cá tra nhiều nhất là Brazil và Mexico cũng mất giá 14 và 16%, riêng thị trường Nga thì đồng rup mất tới 25%.

 

Bản thân ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cũng không dám khẳng định hiệu quả của gói tiền cứu trợ nói trên khi nó được bơm đúng vào thời điểm thị trường nhạy cảm như vậy.

 

Ông Minh nói rằng đồng nội tệ mất giá đẩy giá hàng hoá tăng cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn đang làm giảm đi sức tiêu thụ ở các thị trường. Nhà nhập khẩu cũng bị ngân hàng thanh lọc, thắt chặt tín dụng nên không có khả năng đầu cơ như trước.

 

Có thể nói, lúc này thị trường xuất khẩu đang quá mù mịt. Nếu không tính toán kỹ mà vẫn vung tiền doanh nghiệp mua cá chế biến, rồi để tồn kho, làm tăng thêm chi phí thì chẳng khác nào đổ thêm khó khăn cho họ.

 

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) thống kê giai đoạn từ 2007 – 2009 có 190 nhà máy ca tra ra đời, công suất thiết kế hơn 1,8 triệu tấn/năm tập trung ở các tỉnh ĐBSCL. Nghĩa là, so với sản lượng cá tra xuất khẩu 2011, công suất thiết kế đã dư thừa hơn 40%. Ngoại trừ một số ít nhà máy công suất lớn, có đầu tư vùng nguyên liệu, còn lại tới 2/3 là các nhà máy công suất chế biến nhỏ, khoảng vài chục tấn cá/ngày và hầu hết đều đầu tư bằng tiền vay ngân hàng, hoạt động chụp giựt.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn cắt dứt cơn bệnh của ngành cá tra, trước hết, các cơ quan chức năng phải chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh.

 

Một trong những tác nhân có thể kể ra, đó là sự phát triển ồ ạt nhà máy chế biến mà thiếu định hướng phát triển, thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu.

 

Cuộc họp của 64 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra vào ngày 3.7 còn chỉ ra rằng số đơn vị tham gia xuất khẩu hiện nay, mặc dù giảm còn 140 doanh nghiệp so với 300 của 2010, nhưng vẫn còn tới gần 80 doanh nghiệp không có nhà máy – họ chỉ kiếm hợp đồng, sau đó thuê gia công rồi xuất khẩu theo thời vụ.

 

Họ không quan tâm đến giá bán có lợi cho người nuôi, cho cả ngành cá; không quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, tạo hình ảnh, thương hiệu cá tra. Nghĩa là, họ là những đối tượng làm ăn chụp giựt, không đầu tư bài bản.

 

Do đó, các doanh nghiệp đề nghị việc cứu con cá tra lúc này không chỉ là bằng tiền, mà phải cần đến giải pháp đưa ngành này vào diện xuất khẩu có điều kiện. Chỉ những doanh nghiệp có nhà máy đạt tiêu chuẩn, có đầu tư riêng vùng nguyên liệu hoặc liên kết với người nuôi mới được phép xuất khẩu.

 

Sự cần thiết ràng buộc doanh nghiệp có nhà máy, người nuôi trong một sân chơi chung, cùng thực hiện những điều kiện ràng buộc về đầu tư nguyên liệu, về đảm bảo chất lượng, về giá bán để cuối cùng hướng đến một lợi ích hài hoà mới đưa đến phát triển bền vững, ổn định.

 

Trong các cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng đã nhìn ra được điều này. Ngay từ ngày 1/8 tới đây, các doanh nghiệp sẽ cùng nhau thực hiện thí điểm giá sàn xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ.

 

Sau đó một tháng sẽ áp dụng ra các thị trường khác. Một vấn đề liên quan đến chất lượng cũng được thống nhất, đó là quy định độ ẩm phi lê chỉ được bằng hoặc nhỏ hơn 86%. Nghĩa là từ nay, vấn đề quay tăng trọng bằng hoá chất, bột sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

 

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo