Pháp luật

Cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ: Bị cáo đổ lỗi cho JTC

(DNVN) - Lý giải vì sao nhà thầu JTC lại chuyển tiền cho Ban quản lý dự án đường sắt, bị cáo Phạm Hải Bằng cho biết vì đây là dự án lớn, mang lại tiếng tăm cho JTC nên họ đề nghị chi tiền.

Sáng nay 26/10, TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án 6 cựu quan chức ngành đường sắt lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thỏa thuận nhận 11 tỷ đồng ngoài hợp đồng từ đối tác là nhà thầu JTC Nhật Bản. Báo Dân Việt thông tin.

Các bị cáo bị truy tố trong vụ án này gồm: Trần Quốc Đông - SN 1964, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU); Phạm Hải Bằng (SN 1969) và Phạm Quang Duy (SN 1975, đều nguyên là Phó giám đốc RPMU); Nguyễn Nam Thái (SN 1977, nguyên Trưởng phòng Dự án 3, RPMU); Trần Văn Lục (SN 1958) và Nguyễn Văn Hiếu (cùng nguyên là Giám đốc RPMU). Sáu bị cáo cùng bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị cáo Phạm Hải Bằng đổ lỗi cho nhà thầu JTC Nhật Bản.

Để đảm bảo an ninh cho phiên tòa, tất cả khu vực trong và ngoài TAND TP.Hà Nội đều được bố trí lực lượng an ninh. Những người ra, vào tòa đều phải xuất trình giấy tờ liên quan. Các phóng viên được TAND TP.Hà Nội bố trí một phòng riêng để theo dõi diễn biến phiên tòa qua màn hình tivi.

Khoảng 7h sáng, các bị cáo trong vụ án đã được dẫn giải tới trụ sở TAND TP.Hà Nội. Đến 8h45, Chủ tọa phiên tòa - ông Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Hình sự - TAND TP.Hà Nội) tuyên bố khai mạc phiên tòa. Đứng trước vành móng ngựa nghe đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng, gương mặt cả 6 bị cáo đều tỏ ra khá căng thẳng.

Tin tức trên báo Tuổi trẻ vào 9h50 sáng, sau khi đại diện viện kiểm sát công bố xong bản cáo trạng, chủ tọa tiến hành xét hỏi bị cáo Phạm Hải Bằng (nguyên phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt thuộc Tổng công ty đường sắt VN).

Theo lời bị cáo Bằng, bị cáo được phân công là phó giám đốc phụ trách dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1) và là người chịu trách nhiệm chính về dự án.

Để triển khai dự án, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án với phía Nhật Bản vào tháng 9-2009. Nhà thầu tư vấn Nhật Bản là liên doanh 5 công ty mà đứng đầu là Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản.

 

Trả lời HĐXX, bị cáo Bằng cho biết kinh phí ký kết hợp đồng, thuê hội trường... nhà nước đã có quy định về hạn chế kinh phí. Về nguyên tắc đơn giản thì hai bên ký với nhau, không bỏ nhiều kinh phí.

Lý giải với chủ tọa tại sao sau buổi ký hợp đồng, JTC lại chuyển cho Ban quản lý dự án đường sắt một khoản tiền, bị cáo Bằng cho biết vì đây là dự án lớn, mang lại tiếng tăm cho JTC nên họ đề nghị chi tiền để tổ chức lễ ký hợp đồng cho phù hợp với quy mô dự án. Phía Ban quản lý không đề nghị JTC chi tiền. 

Sau khi ký hợp đồng, bị cáo Bằng không nhớ đã bao nhiêu lần nhận tiền và nhận bao nhiêu. Tổng số tiền Ban quản lý dự án đường sắt nhận là khoảng 11 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân bị cáo nhận và chi tiêu khoảng 5 tỷ đồng. Số tiền này bị cáo không vào sổ sách theo dõi. Mỗi lần chi tiêu tiền, nhân viên của Bằng lập bảng chi tiêu Excel trên máy tính nhưng sau mỗi lần báo cáo xong với Bằng thì đều xóa đi. 

Tuy nhiên, báo Tiền Phong dẫn tài liệu truy tố thông tin, từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, Phạm Hải Bằng đã trực tiếp thoả thuận với đại diện nhà thầu JTC, với mong muốn JTC hỗ trợ cho RPMU các khoản tiền liên quan đến quá trình triển khai dự án. 

Ngay sau khi được “gợi ý”, phía JTC đã nhận lời và chuyển cho Bằng cùng các đồng phạm liên quan 11 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, số tiền trên đã được “chuyển hoá” vào các hạng mục tiếp khách, hiếu hỉ, đi lại, làm ngoài giờ..

 

Đánh giá mức độ phạm tội của các vị chức sắc ngành đường sắt, Viện KSND Tối cao khẳng định, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thoả thuận ngoài hợp đồng giữa Phạm Hải Bằng cùng thuộc cấp với các nhà thầu đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam, đến mối quan hệ hợp tác truyền thống, lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay ODA. Theo nhà chức trách, hiện phía Nhật Bản đã xử lý những sai phạm của JTC, từ đó làm ảnh hưởng, ngưng trệ quá trình triển khai dự án.

Phiên xử dự kiến diễn ra trong 2 ngày. Thẩm phán nhiều kinh nghiệm Trương Việt Toàn – Phó chánh toà Hình sự, TAND TP Hà Nội đảm trách vị trí chủ toạ.

Dã Qùy (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo