Thị trường

Đã biết nơi bán gạo giả ở Hà Nội

Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, đến 16h ngày 3/4, lực lượng quản lý thị trường đã tiếp cận địa chỉ nghi bán gạo giả (gạo nilon, cao su) ở Hà Nội.

Theo ông Nam, sau khi báo chí đưa thông tin về việc người dân TP. Hồ Chí Minh phản ánh mua phải gạo giả (gạo nilon, cao su), đến lượt nhiều người Hà Nội lên tiếng “tố” hiện tượng gạo giả bắt đầu xuất hiện tại một số quận nằm sát ngoại thành như Hoàng Mai, Thanh Trì…

 

Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã huy động cán bộ xuống địa bàn nắm bắt thông tin, tìm kiếm ở Hoàng Mai và tiếp cận được nguồn cụ thể cung cấp gạo giả. Trong ngày hôm nay, 4/4, Cục Quản lý thị trường và Chi cục quản lý thị trường Hà Nội sẽ có thông tin chính thức về vụ việc.

 

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, năm ngoái ở TP. Hồ Chí Minh cũng phát hiện loại gạo này là sản phẩm hỗn hợp của các chất nhựa dẻo, bột sắn, sản xuất theo phương pháp công nghiệp, cả trăm hạt như nhau, và hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, theo ông Ngọc, người tiêu dùng phải tỉnh táo khi chọn mua gạo, bằng một số đặc điểm khác biệt dễ nhận thấy giữa gạo thật và gạo giả làm từ nilon, nhựa.

 

“Một nắm gạo thật, kiểu gì cũng có hạt vỡ, gãy, sứt, còn loại giả thì đều tăm tắp, trăm hạt hình dạng như một, hạt vừa dài, bẻ thì dẻo. Mặt khác, nếu dùng tay để chà xát nắm gạo, thì loại giả không tạo ra các hạt cám. Ngửi kỹ, loại gạo thật bao giờ cũng có mùi thơm, còn gạo giả thì không”- ông Ngọc nói.

 

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, khi phân tích hạt gạo giả, năm ngoái ở TP Hồ Chí Minh có thành phần là chất hóa học, bột sắn. Khi cho nước vào nấu, nó chỉ nở ra, na ná giống hạt cơm, nhưng không ăn được.

 

Về tính độc hại, ông Ngọc cho rằng, cần phân tích từng mẫu, chưa thể khẳng định được. Có thể mẫu năm ngoái ở TP. Hồ Chí Minh khác mẫu năm nay xuất hiện ở Hà Nội.

 

Theo TP

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo