Thị trường

Đã đến lúc bắt tay vào thành lập bộ kinh tế biển

Vấn đề thành lập một bộ chủ quản về kinh tế biển đang được nhiều ĐBQH kỳ này quan tâm.

“Cắt giảm, bớt bộ khác nhưng phải có bộ kinh tế biển”

Một ngày sau khi đưa ra đề xuất thành lập bộ kinh tế biển, ông Trần Du Lịch - ĐBQH TPHCM tỏ rõ sự nghiên cứu thấu đáo về đề xuất của mình.

Ông Lịch phân tích: “Phát triển kinh tế biển có rất nhiều vấn đề, trong đó có tài nguyên biển đảo, ngư nghiệp, dầu khí, cảng biển và kể cả các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, du lịch biển... Đây là một lợi thế của phát triển kinh tế Việt Nam mà tôi đánh giá nó như “nhà có cái mặt tiền”. Tiềm năng đó có thể phát triển lên đến 40% GDP mà lại chia ra quá nhiều bộ ngành quản lý. Nếu thành lập được bộ kinh tế biển, tôi cho rằng, cái lợi đầu tiên là tập trung phát triển kinh tế biển, có thể đóng góp tới 40% GDP thì chúng ta phải làm.

“Để phát huy thế mạnh này chúng tôi từ lâu đã đề xuất phải có một bộ kinh tế biển để quản lý từ khâu thăm dò khai thác nghiên cứu khoa học cho đến quy hoạch, đầu tư… Tôi nói rằng phải cắt giảm, bớt bộ khác nhưng mà phải có bộ kinh tế biển này, tôi cho rằng Luật Tổ chức Chính phủ cần thể hiện được điều đó ”- ông Lịch nói.

Việc thành lập bộ kinh tế biển hoàn toàn khác Bộ Thủy sản trước đây. Vì bộ kinh tế biển quản lý tất cả tài nguyên biển đảo, gồm các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật; rồi vấn đề bảo vệ bờ biển, môi trường biển. “Tôi cũng đề nghị xây dựng luật kinh tế biển thay cho Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, chứ dự án luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không chế định được cái gì cả. Ví dụ như tại Điều 8 của luật này quy định các điều cấm thì các luật khác cũng đã quy định hết cả rồi. Còn những cái khác điều tra thăm dò thì nói thật không phải luật”.

Không nên băn khoăn về việc “phình” bộ máy…

Hầu hết các ý kiến được hỏi đều bày tỏ sự đồng tình với việc Việt Nam nên có bộ kinh tế biển để phát huy thế mạnh “nhà mặt tiền”. Tuy nhiên điều mà các ĐBQH quan tâm tới cuộc bàn thảo này có băn khoăn ấy là nếu thành lập thêm bộ kinh tế biển thì làm phình bộ máy cơ quan Chính phủ và làm tăng biên chế, điều này cũng lại trái với kết luận số 63, 64 Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7.

Giải thích cho sự băn khoăn “ phình biên chế”, ĐBQH Trần Du Lịch nói: Chúng tôi đề nghị trong nhiệm kỳ này thì chưa đẻ bộ này, nhưng khi vào nhiệm kỳ mới (sau 2016) tổ chức lại các cơ quan bộ và ngang bộ thì tính toán lại để làm sao có được bộ kinh tế biển. “Tôi nghĩ rằng phình ra thì chúng ta phải bớt chỗ khác, không làm thì lâu nay nó vẫn phình cơ mà. Chúng ta phải giảm đầu mối, tôi nói thật là số bộ trước đây nhập lại số thứ trưởng có giảm đâu; ba bốn bộ nhập lại có giảm được đâu mà sợ phình”.

Về việc quản lý trong lĩnh vực biển ông Lịch cho rằng, không nên dồn hết về bộ đó nhưng đó là đầu mối tổng hợp để điều hành, chứ không phải lập ra rồi lấy hết các tổng cục, các cục đưa về đó. Vấn đề cần phải thống nhất về chính sách để phát triển và thống nhất về mặt quy hoạch trong lĩnh vực kinh tế biển.

Cơ quan quản lý biển và cảng Singapore (MPA) được thành lập từ năm 1996, với nhiệm vụ phát triển Singapore trở thành một cảng trung tâm toàn cầu hàng đầu và trung tâm biển quốc tế và thúc đẩy, bảo vệ các lợi ích biển chiến lược của Singapore. MPA là động lực phía sau sự phát triển của biển và cảng ở Singapore, giữ vai trò quản lý cảng, lập kế hoạch về cảng biển, đại diện về biển của quốc gia… MPA kết nối ngành công nghiệp cảng biển với các cơ quan khác để thúc đẩy an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường ở các vùng biển xung quanh cảng, tạo điều kiện cho hoạt động và sự phát triển của các cảng , mở rộng các dịch vụ phụ thuộc về biển, thúc đẩy phát triển và nghiên cứu biển, phát triển nguồn nhân lực biển.

Australia có Cơ quan An toàn biển Australia (AMSA). Cơ quan này có nhiệm vụ thúc đẩy an toàn biển và bảo vệ môi trường biển, ngăn chặn và chống ô nhiễm do tàu thải ra trong môi trường biển, cung cấp cơ sở hạ tầng để hỗ trợ an toàn hàng hải ở các vùng biển Australia, cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu hộ quốc gia với lĩnh vực biển và hàng không.

Cơ quan Quản lý biển Đan Mạch có trách nhiệm với ngành công nghiệp tàu biển, các điều kiện khung của ngành này, với tàu biển và đội ngũ thủy thủ trên tàu. Cơ quan này cũng có trách nhiệm trợ giúp việc định hướng trong các vùng biển quanh Đan Mạch.

Nhìn chung ở khá nhiều nước, các cơ quan quản lý về biển thường thuộc một bộ liên quan đến giao thông hoặc kinh tế. Ở Nhật Bản có Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông, trong đó có Văn phòng biển thuộc Vụ Chính sách biển; Italia có Bộ Cơ sở hạ tầng và Giao thông, trong đó có Vụ Vận tải đường thủy và biển...

Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo