Đã đến thời của nông nghiệp bền vững
Năng suất hay bền vững?
Quá trình sản xuất nông nghiệp diễn ra nhanh chóng, chỉ tập trung vào yếu tố năng suất mà chưa quan tâm tới tính bền vững và những tác động tới môi trường. Bằng cách đó, chúng ta đang phá vỡ các chu trình tuần hoàn tự nhiên của vật chất và tạo ra những tác động không tốt đến chất lượng thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng.
Mặt khác, những phương pháp sản xuất nông nghiệp chạy theo năng suất trước mắt hiện nay quá phụ thuộc vào việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng làm cạn kiệt nguồn tài nguyên không tái tạo, đầu độc môi trường đất, nước và không khí.
Chất thải nông nghiệp không được quản lý và có biện pháp xử lý phù hợp gây tác động tới ô nhiễm môi trường. Điển hình như rơm rạ sau khi thu hoạch lúa bị đốt bỏ ngoài đồng gây ô nhiễm không khí và làm gia tăng đáng kể lượng khí nhà kính trong khí quyển.
Phân gia súc và chất thải chăn nuôi cũng được thải thẳng ra môi trường. Trong khi đây lại là một nguồn tài nguyên vô cùng to lớn nếu biết cách tận dụng và khai thác hợp lý. Đấy hoàn toàn là những vấn đề mà chúng ta gặp phải khi thiếu những yếu tố khoa học kỹ thuật hợp lý trong canh tác nông nghiệp đại trà.
Là nước có truyền thống và nhiều ưu thế trong phát triển nông nghiệp như đứng đầu về xuất khẩu hồ tiêu, nhân điều; đứng thứ hai về xuất khẩu gạo, cà phê… Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và thu được những lợi ích từ việc phát triển này. Tuy nhiên hiện tại kinh tế nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn tồn tại.
Thu nhập từ nông nghiệp vẫn còn thấp do sản phẩm có chất lượng chưa tốt, không đồng đều, nguồn cung chưa ổn định dẫn đến giá thành thấp và không chiếm lĩnh được thị trường.
Trong khi các chi phí đầu vào cao như phân bón, thức ăn gia súc luôn ở mức cao vì phải nhập khẩu, điều đó kéo theo giá trị thặng dư trong nông nghiệp vẫn luôn ở mức thấp và chứa nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, hàm lượng khoa học trong kỹ thuật sản xuất trong nông nghiệp còn thấp nên hiệu quả chưa cao.
Chuồng gà di động theo công nghệ mới |
Thông điệp mới
“Cuộc cách mạng về quan điểm giá trị sau khủng hoảng đã thay đổi, cách chúng ta mua, bán, sống như thế nào?” đó là lời tựa của cuốn Sách “Spend Shift” vừa mới được xuất bản tại Mỹ.
Giáo sư danh dự Philip Kotler đã viết trong phần giới thiệu: “Doanh nghiệp có thể tìm kiếm các dạng lợi thế cạnh tranh mới bằng cách thấu hiểu và chia sẻ những giá trị tinh thần mà người tiêu dùng ngày nay coi trọng, chẳng hạn như đạo đức, tính cộng đồng, sự cảm thông và tinh thần trách nhiệm”.
Đây thật sự là một thông điệp tới các doanh nghiệp muốn vượt qua khủng hoảng và thích ứng với xu hướng kinh tế mới. Và đặc biệt trong cuốn sách có đề cập tới nông nghiệp.
Tại sao? Hãy hình dung Detroi mới chỉ vài năm trước đây là thủ phủ của nền công nghiệp ô tô vây mà: “Khủng hoảng tạo cơ hội cho nông nghiệp sạch giữa lòng đô thị Detroit đang cố hồi sinh, rũ bỏ hình ảnh quá khứ của một thủ phủ ngành công nghiệp xe hơi.”
Chúng ta thì sao? Theo một khảo sát mới đây thuộc dự án “Phát triển cơ cấu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam” tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng cho thấy đại đa số (gần 100%) các trường hợp đều rất quan tâm tới độ an toàn của các sản phẩm nông nghiệp.
Trong khi đó chất lượng, độ an toàn nông sản trên thị trường đang tồn tại rất nhiều vấn đề như dư lượng thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu luôn là chủ đề nóng và chương trình hành động quốc gia.
Theo đó người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn và hàng ngày vẫn phải sử dụng các loại thực phẩm “độc” đó trong bữa ăn.
Hậu quả dẫn đến tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều các bệnh nhân bị ung thư, trẻ em sinh ra bị dị tật, ảnh hưởng đến giống nòi và sự phát triển của con người trong tương lai. Nóng nhất tại thời điểm này là thông tin thịt lợn “siêu nạc” có sử dụng thuốc kích thích không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc.
Công ty Viễn Phú - đơn vị cung cấp gạo hữu cơ vừa đạt chứng chỉ hữu cơ của Mỹ thì giá một kg gạo của họ cao gấp 10 lần giá gạo hiện tại |
Trên thị trường cũng đã bắt đầu xuất hiện những tổ chức xây dựng cung cấp các sản phẩm sạch, an toàn và hơn nữa là “hữu cơ”.
Nhưng số lượng nguồn cung thì còn quá ít không đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt tại các thành phố lớn. Theo như lời của một đơn vị cung cấp rau sạch thì sản phẩm vừa mới thu hoạch đã có người đặt mua.
Mặt khác lại có tình trạng một số khu vực vùng xa có nguồn thực phẩm sạch thì lại không biết cách tiếp cận thị trường.
Quay trở lại vấn đề thịt lợn, tại một xã vùng xa tại Lào Cai đang xây dựng phát triển việc nuôi lợn đen theo đề án của một phó chủ tịch trẻ tuổi nhằm giúp phát triển kinh tế địa phương theo định hướng nông thôn mới nhưng lại loay hoay tìm đầu ra.
Một dẫn chứng khác đó là công ty Viễn Phú - đơn vị cung cấp gạo hữu cơ vừa đạt chứng chỉ hữu cơ của Mỹ thì giá một kg gạo của họ cao gấp 10 lần giá gạo hiện tại.
Trong bối cảnh đó, cần có một giải pháp và phương hướng phát triển nông nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, bền vững để thu hút lao động nông thôn gắn bó với nông nghiệp và địa phương, giúp họ có thể sinh sống và làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.
Vũ Chí Công – Đoàn Quang
End of content
Không có tin nào tiếp theo