Da giầy Việt Nam được tin tưởng hơn tại EU
Bộ Công Thương cho biết, tiểu dự án "Đáp ứng tốt hơn các yêu cầu kỹ thuật" thuộc Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của Liên minh châu Âu (EU-Mutrap) tài trợ với sự thực hiện chính của Viện nghiên cứu Da giầy, Hiệp hội da giầy và Túi xách Việt Nam và Đại học Northampton Vương Quốc Anh.
Dự án được triển khai từ ngày 01/7/2014 với 04 giai đoạn chính: khởi động; xây dựng năng lực; quảng bá dịch vụ của Trung tâm OSSC và nâng cao nhận thức (thực hiện trong hai giai đoạn 3 và 4).
Mục tiêu chính của Dự án nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành Da giầy trong việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của EU đối với sản phẩm xuất khẩu. Xây dựng các dịch vụ tư vấn và thử nghiệm đạt chất lượng quốc tế được các nhà cung cấp có uy tín công nhận với chi phí phù hợp.
Sau hơn 2 năm triển khai, Dự án đã tạo cơ hội cho các Hiệp hội, Hội và doanh nghiệp Da-giầy Việt Nam tiếp cận với các chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm, tiếp thu những kiến thức về Quy định liên quan đến Hiệp định về hàng rào kỹ thuật đối với Thương mại (TBT) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Các doanh nghiệp được đào tạo và tư vấn trực tiếp để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về TBT cũng như chia sẻ những kinh nghiệm tốt trong việc tuân thủ TBT, hỗ trợ ngành phát triển bền vững.
Thông qua Tiểu dự án "Đáp ứng tốt hơn các yêu cầu kỹ thuật", hàng trăm lượt doanh nghiệp Việt Nam đã được học tập và tham gia các hội thảo chuyên đề liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định an toàn tiêu dùng của EU như: Quy định chung về an toàn sản phẩm, quy định Reach về an toàn hóa chất, quy định về gắn nhãn sản phẩm, nhãn hiệu sinh thái...
Theo bà, Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy Việt Nam, Dự án đã giúp các doanh nghiệp ngành Da - giầy có điều kiện tiếp cận các tiêu chuẩn an toàn của EU, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình đối với các sản phẩm. Doanh nghiệp được nâng cao hiểu biết và ý thức về tác hại của các hóa chất tồn dư trong sản phẩm da giày đối với sức khỏe người tiêu dùng và tác hại của các chất thải ô nhiễm phát sinh trong quá trình sản xuất đối với môi trường.
"Nhờ thực hiện đúng các quy định về tiêu chuẩn an toàn của EU, sản phẩm da giầy sản xuất tại Việt Nam khi sang tới thị trường EU đã được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng" bà Xuân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tiểu dự án đã giúp doanh nghiệp tìm hiểu về các yêu cầu thử nghiệm hóa chất đối với sản phẩm. Các doanh nghiệp được giới thiệu về quy trình thử nghiệm, quy trình đánh giá hợp chuẩn và về năng lực hoạt động của các phòng thử nghiệm trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, để kiểm định chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường EU.
Với việc thực thi các yêu cầu kỹ thuật của EU, nhu cầu thử nghiệm hóa chất đối với sản phẩm da-giầy tăng lên, tạo động lực để các phòng thử nghiệm trong nước tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị, đào tạo nhân lực để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm của doanh nghiệp.
Dự án cũng giúp đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường EU, doanh nghiệp coi trọng hơn công tác phát triển sản phẩm, cải thiện hoạt động thiết kế mẫu mã, tăng cường các hoạt động liên kết, nắm bắt kịp thời những thay đổi của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, tiến tới xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp da - giầy chuyển đổi dần, từ phương thức sản xuất gia công xuất khẩu sang phương thức mua nguyên vật liệu để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh tới các thị trường nước ngoài.
Các doanh nghiệp tham gia Tiểu dự án đã nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các phương thức quản lý sản xuất tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, về chất lượng và an toàn sản phẩm, bảo vệ môi trường và thực hiện các trách nhiệm xã hội, nhằm cải thiện điều kiện làm việc, kiểm soát chặt chẽ khâu cung ứng nguyên phụ liệu, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, kết quả dự án là bước tạo đà cho các doanh nghiệp da giày tạo lên sự quan tâm về mặt hàng rào kỹ thuật đối với thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường phát triển như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Sau khi dự án này kết thúc, một mặt, Bộ Công Thương đã đề nghị phía EU quan tâm cho nối dài, triển khai các dự án tương tự để hỗ trợ doanh nghiệp ngành da giầy. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội ngành da giầy Việt Nam, Hội da giày ở các địa phương tiếp tục tận dụng triển khai kết quả dự án, tuyên truyền cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn về biện pháp kỹ thuật mà các thị trường đang áp dựng.
"Cái quan trọng ở đây không phải là tiền bạc hay con người mà chính là nhận thức, khi doanh nghiệp nhận thức được vấn đề thì sẽ tự bỏ chi phí tìm hiểu, lúc đó sẽ đạt đươc những kết quả như dự án mong muốn, từ đó vượt qua các yêu cầu kỹ thuật mà các nước đang áp dụng" ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Dự án sẽ kết thúc vào ngày 30/12/2016, tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết Dự án diễn ra vào sáng ngày 21/12/2016, tại Nhà khách Quân đội, Hà Nội, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện nghiên cứu Da giầy, Hiệp hội Da giầy Việt Nam và đại diện Trường đại học Northampton đã được diễn ra là minh chứng cho việc duy trì và mở rộng các kết quả sau khi Dự án kết thúc, nhằm mục đích hỗ trợ phát triển bền vững ngành Da giầy Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào thị trường Mỹ
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động