Đà Nẵng đầu tư 3.200 tỷ xây mới ga hàng không đón APEC
Ngày 12/8, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với chính quyền thành phố Đà Nẵng, các đơn vị liên quan về dự án xây mới nhà ga quốc tế và nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng. Đây là dự án phải gấp rút hoàn thiện để kịp phục vụ cho hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 do Đà Nẵng đăng cai.
Hiện lượng khách đến Đà Nẵng tăng mạnh, ước tính năm 2015 đạt 6,5 triệu khách, vượt cả quy hoạch đến năm 2016 là đạt 6 triệu khách. Do đó nếu không cấp bách mở rộng cảng hàng không thì sẽ rơi vào tình trạng quá tải.
Theo Bộ trưởng, dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng hết sức quan trọng trong tổng thể chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó có quy hoạch Cảng hàng không của cả nước.
Theo tin tức từ Tiền Phong, dự kiến, nhà ga hành khách quốc tế mới tại Cảng HKQT Đà Nẵng sẽ được khởi công xây dựng tháng 12/2015, tổng diện tích 44.000m2 sàn gồm 2 cao trình đi và đến tách biệt với 4 tầng lầu. Công suất nhà ga 4 triệu khách/năm, tổng mức đầu tư dự kiến 3.200 tỷ đồng. Như vậy đây sẽ là nhà ga thứ hai tại Cảng HKQT Đà Nẵng, sau nhà ga thứ nhất hoàn thành cuối năm 2011.
Theo Tổng GĐ Tổng Cty Hàng không VN (ACV) Lê Mạnh Hùng, việc xây nhà ga mới giúp tách riêng biệt quy trình khai thác ga quốc tế và quốc nội. Lượng khách đi máy bay thông qua Đà Nẵng tăng liên tục. Chỉ 6 tháng đầu năm 2015, lượng khách đã tăng trưởng tới 35%. Việc Cảng HKQT Đà Nẵng “cán đích” từ 6 triệu đến 6,5 triệu lượt khách trong năm 2016 đã thấy rõ, mặc dù con số này được quy hoạch cho đến năm 2020.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng các đơn vị liên quan đã cùng Đà Nẵng tháo gỡ một “nút thắt” lớn về giao thông suốt nhiều chục năm qua. Đó là việc di dời nhà ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố, và xây dựng hầm đường sắt qua đèo Hải Vân.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, đây là “ga cụt” nằm ngay giữa trung tâm thành phố, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển quy hoạch đô thị, cũng như gây ách tắc giao thông nội thành.
Thực tế, trên cơ sở phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ các năm 2001-2003, Bộ GTVT đã cho phép nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án trên. Tuy nhiên, lý do duy nhất chưa thực hiện được là thiếu kinh phí. Nay dự án hầm đường sắt Hải Vân đang được kêu gọi vốn ODA từ JICA (Nhật Bản). Còn dự án di dời ga hiện có 4 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, gồm Tập đoàn Vingroup, Cty Nam Việt Á (Đà Nẵng), Cty CP Tập đoàn Đức Bình và Tập đoàn T&T.
Theo đại diện lãnh đạo Cty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (Bộ GTVT) – đơn vị được giao lập dự án di dời ga Đà Nẵng, nếu thực hiện đồng bộ cả hai dự án, thì quy mô và chi phí xây dựng ước tính 16.477 tỷ đồng. Trong đó, dự án xây hầm đường sắt chiều dài toàn tuyến 22km, kinh phí 9.510 tỷ đồng; Di dời ga chiều dài toàn tuyến 16km, kinh phí 6.967 tỷ đồng.
Bộ trưởng Thăng kết luận, trước mắt tách dự án hầm đường sắt ra, vì liên quan đến ODA. Còn dự án di dời ga, phải làm xong phương án sơ bộ trong quý III/2015, để quý IV duyệt phương án chính thức. “Với dự án này, các nhà đầu tư quan tâm thực sự chứ không phải nói cho vui”.
Bộ trưởng Thăng cũng giao Cục Hàng không Việt Nam cùng Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam trên cơ sở thiết kế, thống nhất với TP Đà Nẵng và các cơ quan liên quan để lập tiến độ chi tiết từ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng đến đào tạo nhân lực vận hành khai thác, để khi nhà ga hoàn thành là đưa vào khai thác ngay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết