Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng dọa kiện:Kỳ lạ Bộ nói như "thủy điện ban ơn"

Giải thích của Cục quản lý tài nguyên nước thật là kỳ lạ khi lo cho thủy điện sẽ bị thiệt hại nếu xả nước trong mùa cạn, trong khi chính thủy điện đang lấy nước của dân để phát điện đi nơi khác.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Trưởng ban PCLB&TKCN TP Đà Nẵng vô cùng bức xúc khi tiếp cận với nội dung văn bản phản hồi của Cục Quản lý tài nguyên nước sau kiến nghị của Đà Nẵng về vấn đề xả nước sông Vu Gia trong Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Ban ơn cho hạ du đảm bảo nước tối thiểu
 
Theo đó, Công văn số: 77 /TNN-LVS Cục quản lý tài nguyên nước khẳng định, các vấn đề về xả nước của Thủy điện Đắk Mi 4, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa, thay đổi tỷ lệ chuyển nước qua sông Quảng Huế ... đã được nghiên cứu, phân tích tính toán, cân nhắc nhiều phương án trên nguyên tắc sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước trên phạm vi toàn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (bao gồm cả Đà Nẵng và Quảng Nam) trong điều kiện khả năng nguồn nước hiện có, thực trạng hệ thống các hồ đã được xây dựng, đồng thời hài hòa với nhiệm vụ phát điện và bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên nước.
 
Tuy nhiên ông Huỳnh Vạn Thắng cho rằng giải thích như thế là không được. Bởi vì bản chất là khi xây dựng quy trình họ đưa ra nguyên tắc 'đảm bảo nhu cầu dùng nước tối thiểu tại hạ du.
 
"Nguyên tắc này khi người nghe thấy có vẻ rất nhân đạo, hợp tình, hợp lý. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng với những hộ dân đói nghèo, nguyên tắc là không được để họ bị đói nghèo mà tối thiểu phải để họ sống là chủ trương đúng, nhưng với nguồn nước thì không phải như vậy. Không thể áp dụng theo kiểu gia đình trung lưu hay giàu có ban phát cho các gia đình nghèo chỉ cần đủ ăn. Đà Nẵng đã nhiều lần phản đối", ông Thắng cho biết.
 
Lý giải thêm về quan điểm này, ông Thắng cho biết, khu vực hạ du sông Vu Gia Thu Bồn rất giàu nước, tới 10.000m3/người/năm. Đó là nơi được gọi là giàu tài nguyên nước so với thế giới, tự nhiên thủy điện đến và giờ lại áp dụng cái nguyên tắc kiểu như ban ơn, trong khi anh đang lấy nước của người ta đi để phát điện nơi khác. Rồi sau đó bố thí kiểu như sẽ không để cho người ta đến nỗi chết.
 
Vốn là một nơi được xem là tài nguyên nước giàu có, nhưng thủy điện đã biến dòng Vu Gia Thu Bồn trơ đáy trong mùa cạn
 
Thủy điện hay người dân... thiệt hại?
 
The ông Thắng, cái chính là Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình để rồi biến một nơi rất ít khi bị thiếu nước hay hạn hán (trước kia có thiếu nước cũng chỉ từ 3-7 ngày vào mùa khô) bây giờ đẩy họ vào tình thế suốt 8 tháng mùa khô bị thiếu nước.
 
"Minh chứng cho điều này chính là nhà máy nước Cầu Đỏ thời gian vừa qua đã phải vận hành liên tục lấy nước từ trên đập xuống, tỉnh phải cấp thêm kinh phí là 13 tỉ đồng. Cộng với việc năm 2013 Thành phố Đà Nẵng phải bỏ thêm 5 tỉ đồng để chống hạn cho nông nghiệp. Còn lại các thiệt hại khác lớn vô cùng", ông Thắng cho biết.
 
Thế nhưng phản hồi ý kiến của Đà Nẵng, phía Bộ lại cho rằng thiệt hại về điện của thủy điện Đắk Mi 4 trong mùa cạn (sẽ tùy thuộc vào việc vận hành hồ theo mực nước khống chế hàng ngày tại trạm thủy văn Ái Nghĩa) dao động từ khoảng 55 triệu Kwh (chiếm 6,6% so với tổng sản lượng điện hàng năm) đến tối đa khoảng 144,6 triệu Kwh (chiếm 17,3%), tương ứng khoảng 55 tỷ đến 145 tỷ đồng.
 
"Tạo sao lại gọi là thiệt hại, người dân hạ du sông Vu Gia Thu Bồn đâu có lấy gì của thủy điện mà lại tính là thiệt hại, trong khi thực tế là người dân đang phải chịu thiệt vì thủy điện ngăn dòng, giữ nước? Thật là không hiểu được cách tiếp cận của Cục quản lý tài nguyên nước? Không thể chấp nhận được kiểu thủy điện vừa ăn cướp, vừa la làng", ông Thắng bức xúc.
 
Theo ông Thắng: "cơ quan nhà nước đi giải trình với Chính phủ như vậy khiến người ta nghĩ tới cái gì đó phía sau. Quan trọng nữa là nhân lực kém. Đáng ra phải ủng hộ người dân thì đằng này cơ quan quản lý lại đi ủng hộ doanh nghiệp".
 
Ông Thắng nói rõ, trước đó, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà người chỉ đạo trực tiếp là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nói rằng các đơn vị áp dụng nguyên tắc khi xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa là phải ưu tiên hạ du.
 
"Chỉ đạo đó hoàn toàn đúng đắn. Còn Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình này là trái với chỉ đạo của Phó Thủ tướng", ông Thắng băn khoăn.
 
Văn bản của Cục quản lý tài nguyên nước cho rằng, để hoàn thiện dự thảo Quy trình trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/9/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp Tổ soạn thảo với sự tham gia của đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải; đại diện UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; đại diện các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Cục Điều tiết Điện lực, Tổng cục Năng lượng, Viện Quy hoạch thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Viện Cơ học và các Nhà máy thủy điện: A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2.
 
Tuy nhiên theo ông Thắng: "Các bộ, ngành đến nghe, bản chất là chẳng ảnh hưởng gì đến quyền lợi của họ. Thậm chí họ cũng chẳng biết cái ngưỡng 2,53m là bao nhiêu. Người xây dựng nói là đủ thì các đơn vị nghe là đủ, chứ biết đâu địa phương thiếu nước vô cùng nếu áp mức đó".
 
Gửi kiến nghị lên Thủ tướng
 
Một lần nữa ông Thắng khẳng định Bộ đang biến một nơi từ nhiều nước lại bị đẩy vào hoàn cảnh thiếu nước suốt mùa khô là không chấp nhận được.
 
Còn công văn thì khẳng định, cùng với góp ý của các cơ quan, đơn vị và các địa phương, Cục Quản lý tài nguyên nước đã cùng các chuyên gia rà soát, tính toán các phương án vận hành theo hướng tối ưu hóa các nhu cầu dùng nước hạ du cũng như hiệu quả phát điện, tránh gây lãng phí tài nguyên và điều chỉnh dự thảo Quy trình trong đó có việc vận hành của hồ Đắk Mi 4 xả nước về sông Vu Gia.
 
Tuy nhiên Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ cùng với các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ".
 
Theo ông Thắng, cách nói như vậy chỉ là nói thêm để xoa dịu.
 
"Nếu quy trình được ban hành thì Đăk Mi 4 chẳng có gì phải xả nước vào mùa cạn. Vì với quy định 2,53m thì người dân hạ du chắc chắn thiếu nước và thủy điện thì không phải xả nước. Chúng tôi sẽ gửi đề nghị này lên Thủ tướng Chính phủ", ông Thắng cho biết.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo