Đã tính toán kỹ việc “Tăng tuổi làm, giảm lương hưu”?
"Việc thực hiện lộ trình điều chỉnh kéo dài thời gian làm việc của người lao động đã tính tới yếu tố về sức khỏe, khả năng làm việc và giảm thiểu tác động đối với thị trường lao động, cơ hội việc làm của người lao động trẻ".
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã Hội (Bộ LĐTB&XH) đã khẳng định như vậy khi trao đổi chúng tôi về dự thảo luật BHXH sửa đổi sắp trình Quốc hội xung quanh việc tăng tuổi nghỉ hưu và thay đổi cách tính BHXH.
PV: Luật BHXH sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội vào tháng 5 này, từ năm 2015, lương hưu của khu vực nhà nước sẽ lấy mức bình quân đóng BHXH của cả quá trình đóng, thay vì 10 năm cuối cùng của quãng đời làm việc như hiện nay, bà có thể cho biết xuất phát từ đâu mà có đề xuất này?
Cùng với lộ trình về cải cách chính sách tiền lương, sửa đổi quy định về mức tiền lương làm căn cứ tính đóng và hưởng BHXH, quy định trên nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia BHXH, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng trong thực hiện chính sách BHXH, đảm bảo khả năng cân đối quỹ BHXH theo đúng nội dung đã được nêu tại các Nghị quyết của Trung ương.
Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào cuối tháng 5 tới đây, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/7/2015 trở đi (thời điểm dự kiến Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành) thì khi nghỉ hưu, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu là bình quân tiền lương tháng của toàn bộ thời gian đóng BHXH.
Theo quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH phải có đủ 20 năm trở lên, nên người sớm nhất thuộc khu vực Nhà nước nghỉ hưu từ tháng 8/2035 mới áp dụng quy định này.
Đối với những người thuộc khu vực Nhà nước đang tham gia BHXH trước thời điểm Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì vẫn thực hiện tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm, 6 năm, 8 năm hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu, tùy thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH như quy định của Luật BHXH hiện hành.
PV: Theo dự thảo, tuổi nghỉ hưu tăng lên, nhiều người lo lắng tỷ lệ lao động trẻ ra trường sẽ thêm khó có cơ hội tìm được việc làm, trong khi càng về gia khả năng lao động và sáng tạo không thể bắt kịp với lớp trẻ nếu như phải kéo dài tuổi nghỉ hưu?
Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), bắt đầu từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động là cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành.
Như vậy, với lộ trình trên thì phải sau 15 năm, từ 2031 trở đi đối với khu vực hành chính sự nghiệp và từ 2035 trở đi đối với khu vực doanh nghiệp mới bắt đầu có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.
Việc thực hiện lộ trình điều chỉnh kéo dài thời gian làm việc nêu trên đã tính tới yếu tố về sức khỏe, khả năng làm việc của người lao động và giảm thiểu tác động đối với thị trường lao động, cơ hội việc làm của người lao động trẻ.
PV: Nhưng nếu nâng tuổi nghỉ hưu nhiều người cho rằng do về hưu quá già nên khi được về hưu thì ốm đau thường xuyên, trong khi lương thấp sẽ không đủ lo trang trải cho cuộc sống, thậm chí có người chưa nghỉ hưu đã chết. Vậy khi xây dựng dự thảo có tính đến thực tế này không?
Theo số liệu của Tổng cục Dân số thì tuổi thọ trung bình của Việt Nam là 73 tuổi.
Như đã nói ở trên, việc thực hiện lộ trình tăng tuổi, kéo dài thời gian làm việc của người lao động là đã tính tới yếu tố về sức khỏe, điều kiện lao động, khả năng làm việc của người lao động.
Nếu như năm 1960 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chỉ là 40 tuổi thì đến năm 2010 tuổi thọ của người Việt Nam đã là 73 tuổi, trong khi đó sau hơn 50 năm kể từ Điều lệ tạm thời về BHXH năm 1961 cho đến nay thì quy định về tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam là không thay đổi (60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ).
Cũng theo số liệu từ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 thì số năm trung bình còn sống được của nam ở tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ ở tuổi 55 là 24,5 năm.
PV: Luật Người cao tuổi Việt Nam đã quy định: người đủ 60 tuổi-là người cao tuổi (được nghỉ ngơi). Thế mà dự thảo BHXH tuổi nghỉ hưu lại là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Như vậy, bắt buộc cả người cao tuổi thông thường phải làm việc là không đúng, thiếu nhân văn. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?.
Theo tôi, Luật BHXH chỉ quy định điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng. Thực tế theo quy định hiện nay, nhiều người lao động đã làm việc sau tuổi 60 như các nhà khoa học, những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
Gần đây Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 cho phép giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ có thể làm việc tiếp từ 5 đến 10 năm sau tuổi 60.
PV: Một độc giả phản ánh đến chúng tôi như sau: Tôi 56 tuổi là cán bộ khối hành chính sự nghiệp hoàn toàn không tán thành với nội dung tăng tuổi nghỉ hưu. Lý do kéo dài tuổi nghỉ hưu vì lo sợ vỡ quỹ BHXH là bất hợp lý. Bà đánh giá như thế nào về ý kiến của độc giả này?.
Đúng là nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH đang là thách thức đặt ra yêu cầu cần có những cải cách trong hệ thống chính sách BHXH hiện hành.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này có đề xuất kéo dài thời gian đóng BHXH đối với người lao động, tuy nhiên đây chỉ là một trong các giải pháp nhằm tiến tới đảm bảo nguyên tắc đóng- hưởng góp phần cân đối quỹ BHXH trong dài hạn.
Ngoài ra, cùng với đó là các giải pháp về mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nâng mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo tiền lương thực tế, thay đổi công thức tính lương hưu, hạn chế đối tượng nghỉ hưu trước tuổi quy định,… cũng được quy định trong Luật BHXH (sửa đổi).
Có như vậy mới vừa đảm bảo được cân đối quỹ BHXH, vừa đảm bảo thực hiện an sinh xã hội cho người lao động trong tương lai.
Nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH xuất phát từ quan hệ đóng- hưởng trong chính sách BHXH chưa đảm bảo, mức đóng chưa tương ứng với mức hưởng, cùng với đó là do tác động của già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh ở Việt Nam.
PV: Hiện nay có nhiều DN nợ BHXH, trốn BHXH, đối với những đơn vị này BHXH đã có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?
Để khắc phục thực trạng trên, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực BHXH thì BHXH Việt Nam cần chỉ đạo BHXH các địa phương báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình nợ BHXH với UBND, với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, khởi kiện các đơn vị nợ đóng; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quản lý số lao động trong các doanh nghiệp.
Nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH trong đó nâng mức xử phạt vi phạm, nâng mức lãi suất chậm đóng BHXH, đề xuất đưa vào Bộ Luật Hình sự tội danh trốn đóng BHXH để có cơ sở xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm luật về BHXH.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp nợ BHXH để làm căn cứ cho các ngân hàng thương mại thực hiện và chỉ đạo để thực hiện một cách nghiêm túc...
- Xin cám ơn bà!
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo