Pháp luật

Đại án 9.000 tỉ đồng ở VNCB: Thẩm định hồ sơ cho vay qua... mạng

(DNVN) - Sáng 28/7, các bị cáo nguyên là nhân viên tín dụng của VNCB gây “sốc” khi cho biết chủ yếu thẩm định hồ sơ cho vay qua mạng Internet, thậm chí không thẩm định vì… “sếp đã xem qua”.

Tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM, theo cáo buộc, từ 28/12/2012 đến 11/3/2014, do cần tiền để sử dụng (trả nợ cho nhóm Phú Mỹ, nhóm Trần Ngọc Bích (Tân Hiệp Phát), Ngân hàng BIDV và sử dụng cá nhân), Phạm Công Danh với vai trò là chủ tịch HĐQT VNCB đã tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo cấp dưới cho vay sai quy định.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 28/7. Ảnh Vietnamnet.

Cụ thể là cho 14 công ty vay số tiền 5.000 tỉ đồng đã tất toán một khoản 300 tỉ đồng, còn dư nợ gốc là 4.700 tỉ đồng. Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo, còn lại hơn 2.000 tỉ đồng không có khả năng thu hồi.

Bị cáo Doãn Quốc Long (cán bộ tín dụng VNCB Chi nhánh Sài Gòn) khai toàn bộ hồ sơ vay do lãnh đạo ấn xuống vì đây là khách hàng lớn. Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp thường làm việc với giám đốc ngân hàng. Khâu hoàn thiện hồ sơ mới giao nhân viên làm việc với nhân viên khách hàng.

Khi bị chất vấn có đi khảo sát thực tế không, bị cáo Long cho biết chỉ khảo sát trên mạng thông tin. Qua đó cho thấy doanh nghiệp không có báo cáo tài chính mà chỉ có phương án kinh doanh và phương án trả nợ.

Giải thích lý do vẫn đề xuất cho vay, bị cáo nói do hồ sơ của khách hàng đầy đủ, khả thi chứ không theo ý chí lãnh đạo và đã làm đúng quy trình của ngân hàng.

Tương tự, bị cáo Bùi Thanh Nguyên (cán bộ tín dụng VNCB chi nhánh Lam Giang) là người nhận và giải quyết hồ sơ cho Công ty IDICO vay, gây thiệt hại cho VNCB 220 tỷ đồng. Tại tòa, Nguyên cũng cho biết không đi gặp gỡ thực tế khách hàng. Báo Dân việt thông tin.

 

“Bị cáo đã thu thập thông tin đầy đủ trên mạng Internet và thấy IDICO có hoạt động kinh doanh thật và có thông tin khá nhiều nên bị cáo khảo sát từ trên đó. Bị cáo cũng không đi xác nhận tài sản đảm bảo thực tế”, Nguyên khai.

Tuy nhiên, tại tòa Nguyên cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lấy các tài sản hiện có của IDICO để cấn trừ nợ vì trong hồ sơ vay vốn đã có ràng buộc này.

Bị cáo Nguyễn Tiến Hùng (nguyên cán bộ tín dụng VNCB chi nhánh Sài Gòn) cũng “mắc sai lầm” tương tự. Cụ thể, Hùng là người tiếp nhận 6 hồ sơ của 6 công ty vay 2.470 tỷ đồng, tuy nhiên trong quá trình thẩm định, Hùng cũng không thẩm định thực tế tài sản đảm bảo, không kiểm tra thực tế tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vay vốn… khiến Phạm Công Danh vay trái pháp luật được 2.470 tỷ đồng. Kết quả điều tra gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.300 tỷ đồng.

“Do anh Khương (bị cáo Mai Hữu Khương - cựu GĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn) thông báo đã thẩm định khách hàng nên bị cáo chỉ thẩm định qua hồ sơ”, Hùng khai tại tòa. Không chỉ các cán bộ tín dụng “mắc sai lầm” trong việc thẩm định hồ sơ vay vốn, các bị cáo nguyên là trưởng phòng tín dụng, phó phòng kinh doanh cũng có cách thẩm định “trời ơi” này.

Chẳng hạn, bị cáo Huỳnh Nguyên Sang (nguyên phó phòng phụ trách kinh doanh VNCB Lam Giang) cho biết không gặp khách hàng, cũng không biết tài sản đảm bảo cho các khoản vay đã bị “cầm cố” để thế chấp cho vay tại Ngân hàng BIDV mà chỉ biết hồ sơ đảm bảo là “mối quan hệ” và được sếp Quyết (bị cáo Hoàng Đình Quyết - nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang) chỉ đạo nên ký hồ sơ.

 

Tương tự, bị cáo Lý Minh (nguyên trưởng phòng phụ trách kinh doanh VNCB chi nhánh Sài Gòn) cũng không đi thực tế mà chỉ nghe sếp Khương (bị cáo Mai Hữu Khương) nói đã xem sơ qua nên không thẩm định kỹ. Đáng nói, theo quy định thì với hồ sơ trên 500 triệu thì trưởng phòng kinh doanh phải trực tiếp thẩm định khách hàng cùng nhân viên tín dụng.

Tuy nhiên, với các hồ sơ này thì Minh có bảo xuống nhân viên là đã trực tiếp thẩm định rồi, không cần phải thẩm định nữa nên nhân viên cấp dưới không thẩm định.

Tại phiên tòa ngày 28/7, HĐXX chất vấn: Bị cáo đã nhận thấy việc thẩm định chưa đi thực tế có rủi ro, sao vẫn cho vay? Minh còn lý luận: “Bản chất tín dụng là rủi ro nhưng nó là rủi ro có thể xảy ra, không nhất thiết là xảy ra. Rủi ro không phải là lý do chính để không cho vay”.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo