Đại án OceanBank: 1.500 tỷ có đòi được không?
Luật sư đặt câu hỏi với đại diện Oceanbank - bà Vũ Thị Kim Ngọc - về căn cứ nào để xác định số tiền hơn 1.500 tỷ đồng là thiệt hại. Bà Ngọc nói: "Theo quy định của pháp luật, chúng tôi xác định khoản tiền hơn 1.500 được chi ra từ 3 tài khoản thuộc sở hữu của Ngân hàng Đại Dương và đó là nguồn chúng tôi cho rằng được rút từ ngân hàng”, theo tin tức trên báo Zing news.
Theo người đại diện Oceanbank, việc này cơ quan điều tra và VKS đã xác định hành vi của các bị cáo thực hiện việc hạch toán chi sai và hạch toán vào tài khoản 801 là không đúng quy định pháp luật hiện hành. Hiện khoản tiền này chưa thu hồi được.
Trước câu trả lời này, vị luật sư cho rằng nguyên tắc xác định thiệt hại của Oceanbank là tiền từ tài khoản ngân hàng đi ra mà không thu hồi được là thiệt hại?
Bà Ngọc xin HĐXX cho mình được trình bày thêm. Theo vị đại diện của Oceanbank, tài khoản 801 là tài khoản để chi trả lãi suất tiền gửi. Nếu xác định khoản chi này là chi lãi ngoài thì phải hạch toán và tài khoản 866 hoặc tài khoản 8694.
Quá trình hỏi đại diện Oceanbank, luật sư cho rằng xác định thiệt hại phải cân đối giữa đầu vào và đầu ra. Oceanbank không thể căn cứ vào kết luận điều tra, cáo trạng… để xác định thiệt hại.
“Oceanbank là nguyên đơn dân sự phải chứng minh thiệt hại của mình chứ không phải căn cứ vào các tài liệu của cơ quan điều tra, cáo trạng…như trên”, luật sư này nói. “Chúng tôi đã có nghĩa vụ chứng minh trên cơ sở điều tra và của chúng tôi”, bà Ngọc khẳng định.
Phản biện lại ý kiến của Oceanbank, bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên kế toán trưởng ngân hàng này khẳng định 1.500 tỷ đồng mà cáo trạng quy kết thiệt hại là không đúng. Nữ bị cáo 37 tuổi khẳng định chi phí trong kinh doanh rời khỏi tài khoản không phải thiệt hại.
Nữ bị cáo lý giải: Huy động cho vay là chuỗi xoắn kép của tổ chức tín dụng, nó giống như chuỗi ADN của con người, chúng ta không thể tách một sợi ra để xét nghiệm gen ADN đó là của ai. Tách một sợi ra mà kết luận đó là con của ông A hay B là hoàn toàn sai về bản chất của việc cho vay và huy động vốn. Bị cáo Nga nói người đại diện cho ngân hàng này rằng “hãy về xem xét lại nếu muốn đòi các bị cáo ở đây 1.500 tỷ”.
Sáng 8/9 tại phiên tòa xét xử đại án OceanBank, ông Trần Anh Hùng đưa ra dẫn chứng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại OceanBank trên cơ sở biên bản họp ĐHCĐ và Nghị quyết ĐHCĐ năm 2015, báo Infonet đưa tin.
Tại Đại hội đó, ông Hà Văn Thắm không thể tham gia vì đang bị tạm giam. Ông Thắm là cổ đông lớn nhất của ngân hàng khi sở hữu 62,9% cổ phần. Cựu Chủ tịch OceanBank cho rằng, nếu tính cả việc sở hữu gián tiếp, tỷ lệ sở hữu lên đến 73,74%.
Hà Văn Thắm cho biết phải 1 năm sau đó cán bộ điều tra mới cho biết việc ngân hàng của mình đã bị NHNN mua lại và đổi thành Ngân hàng TNHH MTV. Như vậy, NHNN đã không thông báo cho cựu Chủ tịch ngân hàng trước khi tiến hành mua lại.
Trước đó, tại phiên tòa diễn ra cuối tháng 2, ông Hoàng Văn Dũng, đại diện theo ủy quyền của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), khẳng định PVN cũng không được NHNN thông báo gì về việc mua lại OceanBank, trong khi PVN là cổ đông lớn thứ hai tại ngân hàng này với 20% vốn điều lệ.
Khi được luật sư hỏi tại sao NHNN mua lại OceanBank với mức giá 0 đồng mà không thông báo trước cho các cổ đông, ông Trần Anh Hùng, đại diện theo ủy quyền của Thống đốc NHNN tại phiên tòa xét xử vụ án OceanBank nói: “Trong quá trình thực hiện, NHNN đã đảm bảo đã thực hiện theo đúng qui định pháp luật. Tôi không giải thích gì thêm.”
End of content
Không có tin nào tiếp theo