Đại án Oceanbank: Bị cáo Hồng Tứ tiếp tục khóc nức nở tại phiên tòa
Sáng 7/9, luật sư Vũ Gia Trưởng (bào chữa cho bị cáo Phạm Hoàng Giang, cựu Tổng giám đốc Công ty BSC Việt Nam) tiếp tục xét hỏi bị cáo Phạm Thị Hồng Tứ (cựu Chủ tịch HĐQT BSC).
"Ngày hôm qua, chị khai toàn bộ các hợp đồng lao động, ủy quyền… Giang ký nháy, đưa lên thì chị ký đúng không?”. Trả lời câu hỏi này, Tứ nói: “Bị cáo chỉ tin tưởng anh Thắm nên bị cáo ký hộ chứ thực chất không biết SBC hoạt động những gì. Bị cáo cũng tin tưởng anh Giang thì bị cáo mới làm”.
Do bị cáo trẻ nhất trong đại án Oceanbank vừa khóc vừa nói nên thẩm phán phải nhắc nhở Tứ cần bình tĩnh. Tuy nhiên, Tứ vẫn tiếp tục khóc lớn hơn.
Thấy nữ bị cáo này trả lời không đúng trọng tâm, luật sư đề nghị Tứ trả lời đúng câu hỏi: “Có phải anh Giang yêu cầu chị ký không?”. Cựu Chủ tịch HĐQT BSC khẳng định chính Giang là người yêu cầu chị ký. "Anh Giang anh cứ đưa thế nào, bị cáo ký như thế. Thực chất anh Giang cũng biết bị cáo không có chức quyền gì ở BSC cả”, Tứ đáp.
Nghe trình bày, luật sư Gia Trưởng nói: "Chị bình tĩnh, chị phân phối nước mắt cho hợp lý”. Cuộc đối đáp giữa 2 bên khiến chủ tọa phải nhắc nhở Tứ có thái độ đúng mực, còn luật sư đặt câu hỏi phải rõ ràng, dứt khoát.
Do Tứ đã nhiều lần khóc khi trả lời câu hỏi, chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà đã phải nhắc nhở nữ bị cáo trẻ nhất trong đại án Oceanbank cần bình tĩnh và có thái độ đúng mực. Còn thẩm phán Trương Việt Toàn thì nhắc: "Đây là phần hỏi đáp chứ không phải là nơi đôi co, bị cáo nhớ nhé". Nghe vậy, Tứ vừa khóc vừa đáp: "Xin lỗi luật sư, bị cáo có hành động gì sai trái cho bị cáo xin lỗi”, báo Zing.vn đưa tin.
Trước đó, trả lời thẩm vấn của luật sư về tiền chi lãi ngoài, Hà Văn Thắm cho rằng tiền chi chăm sóc khách hàng là tiền hoạt động kinh doanh, Oceanbank không thiệt hại, bị cáo là cổ đông lớn nhất của ngân hàng cũng không thiệt hại, theo tin tức trên báo TTXVN.
Thắm nhận thức Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là để ổn định thị trường và chống lạm phát trong thời điểm nhất định. Bây giờ Thông tư 02 cũng đã được hủy bỏ.
Thắm khai: Thời điểm đó, chính Thắm là người chủ trương cấm thực hiện việc chi lãi ngoài. Tuy nhiên, ngay sau đó, khách hàng ồ ạt rút hết tiền khỏi Oceanbank để chuyển sang gửi tại ngân hàng khác. Để “cứu” Oceanbank, Thắm buộc phải quyết định thực hiện chi ngoài lãi suất, nhằm thu hút khách hàng quay lại gửi tiền tại Oceanbank.
Tại thời điểm chi lãi ngoài, mặc dù biết là đã vi phạm Thông tư 02, nhưng Thắm không nghĩ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Thông tư 02 quy định vi phạm chi lãi ngoài chỉ bị xử lý hành chính và cách chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng 3 năm. Vì vậy, Thắm vẫn quyết định thực hiện chi lãi ngoài và chấp nhận bị cách chức 3 năm.
Cũng tại phiên tòa, khi đề cập đến việc nhóm kế toán của Oceanbank bị quy kết giữ vai trò giúp sức, Thắm khẳng định lúc đầu bị cáo chỉ nói với Lê Thị Thu Thủy (Phó tổng giám đốc Oceanbank) làm các thủ tục để tạm ứng, không nói để làm gì. Đến năm 2012, Thủy hỏi thì Thắm mới nói chi chăm sóc khách hàng.
Luật sư nói, tại phiên tòa lần một, bị cáo có nhắc đến việc mình lừa bị cáo Thủy, vậy bị cáo có thể mô tả dễ hơn? Trả lời luật sư, bị cáo Thắm nói: "Không phải lừa vì chị Thủy không dễ lừa gì cả. Mà do khối kế toán như chị Thủy không liên quan đến kinh doanh. Bị cáo là lãnh đạo cấp trên đã lệnh các chị ấy phải làm như vậy”.
Từ lý lẽ của mình, Hà Văn Thắm không đồng ý với quan điểm Lê Thị Thu Thủy là người giúp sức tích cực mà cho rằng nữ bị cáo phải là người "cản tích cực nhất".
Được luật sư mời tham gia xét hỏi, Lê Thị Thu Thủy mong HĐXX xem xét lại việc cáo buộc nữ bị can này liên quan số tiền hơn 1.500 tỷ thất thoát. “Con số 1.576 là chưa khách quan về con số bị cáo liên quan. Về cơ bản, bị cáo nhận chỉ thị từ anh Thắm từ 2012. Về mặt chứng cứ vật chứng, bị cáo ký chứng từ gì thì mới phải chịu liên đới. Số tiền này khoảng hơn 300 tỷ”, cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank giải trình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo