Pháp luật

Đại án OceanBank: "Sốc" về cách xài tiền của Nguyễn Xuân Sơn

Cựu TGĐ OceanBank bị cáo buộc đã có hành vi lợi dụng chức vụ được giao, ban hành, tổ chức và chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt hơn 246 tỷ đồng.

Phiên toà xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đã diễn ra được 5 ngày. Trong đại án này, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm là cấp dưới có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng gây thiệt hại cho ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng, theo tin tức trên báo Công an Nhân dân. 

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên toà. Ảnh CAND

Ngoài vai trò chủ mưu của Hà Văn Thắm, một nhân vật khác cũng có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của Oceanbank là Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, quê Hà Tĩnh; hiện sống tại Khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ, Hà Nội), cựu Tổng Giám đốc Oceanbank bị truy tố về ba tội danh: tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông này bị cáo buộc đã có hành vi lợi dụng chức vụ được giao, ban hành, tổ chức và chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt hơn 246 tỷ đồng.

Theo dõi quá trình xét xử đại án này quan lộ của Nguyễn Xuân Sơn quá thần tốc và cả cách nhận tiền, tiêu tiền thật đáng sợ. Oceanbank có hơn 1.000 cổ đông góp vốn do Hà Văn Thắm là Chủ tịch HĐQT. 

Cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký thoả thuận với Oceanbank và trở thành cổ đông, góp 20% vốn điều lệ vào ngân hàng này, qua đó đã cử Nguyễn Xuân Sơn tham gia thành viên HĐQT ngân hàng, kiêm chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank.

Đầu năm 2009, khi Thắm trao đổi, bàn bạc về việc huy động vốn cho Oceanbank, với vị thế của người được Tập đoàn lớn cử sang làm đối tác chiến lược tham gia HĐQT và điều hành ngân hàng, Sơn chủ động đề nghị Thắm phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng đối với số tiền huy động của các đơn vị thành viên PVN.

Số tiền này, Sơn được toàn quyền quyết định mà không cần trao đổi với ai. Do Oceanbank có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn nên Thắm đã đồng ý đề nghị trên của Sơn. Để có nguồn tiền “chăm sóc khách hàng” theo yêu cầu của Sơn, Thắm sử dụng Công ty cổ phần BSC Việt Nam (viết tắt là Công ty BSC) do Thắm thành lập từ năm 2008 để thực hiện việc ký các hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn tại Oceabank nhằm thu phí.

 

Được sự đồng ý của Thắm, Sơn đã chỉ đạo Phó Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Minh Thu, phụ trách Khối nguồn vốn triển khai thực hiện việc thu thêm phí ngoài tỷ giá theo quy định trong hợp đồng bán ngoại tệ cho khách hàng thông qua việc yêu cầu khách hàng ký hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC nhằm tạo thêm nguồn thu theo yêu cầu của mình và chiếm đoạt gần 69 tỷ đồng. 

Tại phiên toà, Sơn thừa nhận, có nhận số tiền này từ Thắm và cấp dưới của Thắm chuyển cho được lấy từ Công ty BSC. Nhưng Sơn biện minh rằng “Bị cáo nghĩ đấy là tiền của Thắm chứ không phải tiền của Oceanbank”.

Một trong những doanh nghiệp lớn đã gửi tiền tại Oceanbank là Liên doanh Dầu khí Việt-Nga (Vietsovpetro). Thời điểm doanh nghiệp này gửi tiền nhiều nhất tại Oceanbank tới hơn 100 triệu USD (khoảng 2.000 tỷ đồng). 

Sơn khai, chỉ riêng doanh nghiệp này, bị cáo trực tiếp đưa tiền cho Kế toán trưởng là Võ Quang Huy và Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tuyến khoảng 10 lần, mỗi lần từ 10 đến 20 ngàn USD hoặc từ 200 đến 300 triệu đồng. 

Còn những doanh nghiệp lớn khác là khách hàng lớn khác cũng gửi từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng cũng đều được Oceanbank “chăm sóc” rất chu đáo. Cũng vì lời khai này của Sơn mà HĐXX đã yêu cầu triệu tập ông Huy và ông Tuyến đến toà để đối chất.

 

Diễn biến liên quan, chiều ngày 1/9 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại Oceanbank. Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát xác định: Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN; Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường đều nguyên là thành viên PVN đã có hành vi Cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank, báo Kiến thức đưa tin.

Ngày 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can 5 đối tượng về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường; ra Lệnh bắt tạm giam hai bị can Ninh Văn Quỳnh và Nguyễn Xuân Thắng; cấm đi khỏi nơi cư trú Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của các bị can và được sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ngày 1/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Sơn. Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Ninh Văn Quỳnh; Nguyễn Xuân Thắng; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các ông Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 5 bị can nguyên là lãnh đạo PVN nêu trên nhằm làm rõ trách nhiệm trong việc để mất trắng 800 tỷ đồng của PVN, là tiền của Nhà nước. Phiên tòa xử Hà Văn Thắm và đồng phạm nghỉ làm việc các ngày từ 2 - 4/9. Ngày 5/9, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Công an Nhân dân, Kiến thức)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo