Pháp luật

Đại án OceanBank: Tài xế được "phong chức" lên TGĐ

Bị cáo Trần Văn Bình cho biết, từ lúc bị điều tra xét hỏi mới biết mình là... Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung Dung, trước đó không hay biết mình là lãnh đạo một công ty.

Sau gần 2 ngày tiến hành kiểm tra nhân thân các bị cáo và đọc bản Cáo trạng dài 109 trang của Viện KSND Tối cao, chiều 29/08, HĐXX đã tiến hành xét hỏi các bị cáo về mối quan hệ giữa Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm trong việc Phạm Công Danh mua lại Ngân hàng Đại Tín, theo tin tức trên báo Infonet. 

Bị cáo Trần Văn Bình. Ảnh Dân việt

Trả lời HĐXX, Phạm Công Danh cho biết Hà Văn Thắm đã chủ động môi giới cho Danh một ngân hàng để Danh mua lại. Tuy nhiên, Hà Văn Thắm đưa hồ sơ ngân hàng cho Phạm Công Danh và nói chưa thể cho biết tên ngân hàng vì phải đảm bảo bí mật. 

Hai bên thống nhất mức giá chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín là 800 tỷ đồng. Sau đó Phạm Công Danh chuyển trước cho Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng, thời điểm đó Danh mới biết ngân hàng mình mua là NH Đại Tín. 

Tại thời điểm đó, ông Danh không biết NH Đại Tín đã được bà Hứa Thị Phấn chuyển giao cho Hà Văn Thắm hay chưa. Tuy nhiên, phải 1 năm sau, vào giữa năm 2013 Phạm Công Danh mới chính thức nhận bàn giao toàn bộ NH Đại Tín.

“Sau khi 3 bên thỏa thuận chuyển giao toàn bộ trách nhiệm cho tôi với tư cách là cổ đông mới, anh Thắm nói sẽ hỗ trợ cho NH Đại Tín về nghiệp vụ cũng như các thứ khác trên nguyên tắc đảm bảo pháp luật. 

Tại thời điểm đó NH Đại Tín bị mất thanh khoản nghiêm trọng, chỉ với khoản rút tiền 5 tỷ đồng của khách hàng cũng phải cần đến 5-7 ngày sau mới hoàn thành”, Phạm Công Danh cho biết.

 

Vì nhu cầu thanh khoản nên bà Phấn đã đề xuất về khoản vay 500 tỷ đồng tại OceanBank. Phạm Công Danh với tư cách là Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đã chỉ đạo thành lập Công ty Trung Dung để vay của OceanBank 500 tỷ đồng nhằm hỗ trợ thanh khoản cho NH Đại Tín.

Công ty TNHH Trung Dung được thành lập với TGĐ và là người đại diện theo pháp luật là Trần Văn Bình, nhân viên lái xe của Thiên Thanh.
Chủ tọa Trần Nam Hà đặt câu hỏi: Bị cáo có tham gia thành lập Công ty Trung Dung không? Bị cáo Bình trả lời: “Lúc bị Cơ quan cảnh sát điều tra xét hỏi bị cáo mới biết mình là Tổng giám đốc của Công ty Trung Dung”, báo Dân việt đưa tin.

Về việc ký hợp đồng vay tài sản của Oceanbank vào cuối năm 2012, bị cáo Bình cho rằng không biết, khi đưa ra xét xử bị cáo mới biết, còn trước đó không biết ký gì, thấy kế toán đưa thì ký. Sau đó, bị cáo Bình lại nói không nhớ có ký hay không.

Bị cáo Bình cho biết thêm, quá trình điều tra bị cáo mới được xem hợp đồng tín dụng giữa Công ty Trung Dung với Oceanbank. “Bị cáo không biết việc thành lập Công ty Trung Dung và mình đứng tên là Tổng giám đốc. Vấn đề nhân sự của công ty hoạt động thế nào bị cáo không biết, bị cáo không góp tiền và tài sản gì vào Công ty Trung Dung”, bị cáo Bình nói.

Khi chủ tọa hỏi về khoản vay 500 tỷ đồng giữa Công ty Trung Dung với Oceanbank, bị cáo Bình tiếp tục nói không biết gì. “Bị cáo là người ký hợp đồng và thủ tục khác, sao đến thời điểm này lại không biết gì?”, vị Chủ tọa vặn hỏi nhưng bị cáo Bình không trả lời.

 

Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi bị cáo Phạm Công Danh. Bị cáo Danh cho biết là người thành lập ra Công ty Trung Dung và bị cáo Bình đứng tên làm Tổng giám đốc. Lý giải về điều này, bị cáo Danh cho hay, việc công ty thành lập mới nên cần tên người đứng tên đại diện, phòng hành chính mới đưa Trần Văn Bình đứng tên để giải quyết vấn đề về thủ tục.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Infonet, Dân việt)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo