Đại án OceanBank: Tranh giành "đòi" 49 tỷ đồng
Với số tiền 49 tỷ đồng được cho là bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên TGĐ OceanBank chiếm đoạt của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có sự đồng phạm của Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank, tại phiên tòa xét xử đại án OceanBank, ông Hoàng Văn Dũng đại diện theo ủy quyền của PVN yêu cầu HĐXX chứng minh nếu đúng gây thiệt hại cho PVN sẽ phải bồi thường thiệt hại cho PVN, theo tin tức trên báo Infonet.
Số tiền này được Viện KSND nhân lên một cách cơ học từ 20% của con số 246 tỷ đồng OceanBank đã chi lãi ngoài cho PVN (tương ứng tỷ lệ góp vốn của PVN vào OceanBank).
Về nguyên tắc, nếu chứng minh được đó là thiệt hại của PVN, đương nhiên các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho PVN. Trong khi đó, bà Vũ Thị Kim Ngọc, đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) lại cho rằng đó là khoản thiệt hại của OceanBank, số tiền này nằm trong tổng số 1.576 tỷ đồng cáo trạng đã quy kết.
Đứng trước tình huống này, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, luật sư bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm, đã đặt câu hỏi với người đại diện của OceanBank:
“Cùng 1 khoản tiền, cho đến giờ phút này cáo trạng cũng xác định rằng bị cáo đang bị truy tố là bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm chiếm đoạt 49 tỷ đồng của PVN. Về nguyên tắc phải trả lại PVN. PVN đã đòi rồi, bây giờ bà lại đòi nữa thì khoản tiền 49 tỉ này sẽ trở thành gì? 1 khoản tiền có đến 2 nguyên đơn dân sự đòi?”
Bà Vũ Thị Kim Ngọc nói: “Chúng tôi đã chứng minh khoản tiền 1.576 tỷ đồng này được rút ra từ 3 tài khoản thuộc sở hữu của Ngân hàng Đại Dương. Chúng tôi đã chứng minh và cung cấp đầy đủ tài liệu để thể hiện nội dung này, tại đơn yêu cầu bồi thường tại phiên tòa chúng tôi cũng đề nghị HĐXX xem rõ xác định cụ thể cái trách nhiệm thuộc về ai, gây thiệt hại thì phải bồi thường và bồi thường như thế nào do HĐXX và đề nghị Viện Kiểm sát xem xét cách thức bồi thường, phương thức bồi thường cho Ngân hàng Đại Dương”.
Trước việc đôi co giữa PVN và OceanBank đối với khoản tiền 49 tỷ đồng này, HĐXX cho biết sẽ xem xét yêu cầu của hai nguyên đơn dân sự.
Sau quá trình điều tra và đánh giá vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định truy tố Hà Văn Thắm và các đồng phạm về hành vi chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng, gây hậu quả thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng, báo TTXVN đưa tin.
Cụ thể, đầu năm 2011, để thúc đẩy và phát triển khách hàng trong công tác huy động vốn, Hà Văn Thắm đã ra chủ trương về việc chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng trên toàn hệ thống OceanBank.
Theo chủ trương và chỉ đạo của Hà Văn Thắm, các bị cáo nguyên là Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc đã chỉ đạo lãnh đạo các khối, ban nghiệp vụ thuộc Hội Sở Ngân hàng Đại Dương và 34 bị cáo là giám đốc của các chi nhánh, phòng giao dịch thực hiện chi lãi ngoài khi huy động vốn.
Trả lời câu hỏi của luật sư về số tiền cố ý làm trái 1.576 tỷ đồng, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng cần làm rõ tên gọi của các loại tiền.
Tiền vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỷ đồng, để dành cho việc trang bị, đầu tư cơ sở vật chất (40%), đầu tư chứng khoán, mở công ty con (40%) và lập quỹ (20%). Số tiền chi lãi ngoài hoàn toàn không lấy từ vốn điều lệ của OceanBanh mà được lấy từ tiền ngân hàng kinh doanh được.
Nghĩa là từ phần lãi của hoạt động cho vay để chi cho hoạt động huy động vốn, do đó không thể nói OceanBank thiệt hại như vậy. Nếu chỉ nhìn vào số tiền chi lãi để huy động vốn mà không nhìn đến số tiền thu về từ hoạt động cho vay, rồi kết luận là thiệt hại là không chính xác.
Ngoài ra, một số bị cáo khác còn cho rằng họ huy động vốn với lãi suất cao, song họ cho vay với lãi suất còn cao hơn với mức chênh lệch từ 4-4,5%, nên cuối cùng OceanBank vẫn có lãi, không bị thua lỗ.
Tuy nhiên, tính tại thời điểm Ngân hàng Nhà nước thanh tra toàn diện OceanBank ngày 31/3/2014, Đoàn thanh tra đã ra Kết luận thanh tra số 340, trong đó khẳng định: OceanBank bị âm vốn chủ sở hữu, nợ xấu là 14.923 tỷ đồng (chiếm 49,84% tổng dư nợ), OceanBank bị thua lỗ 10.188 tỷ đồng (bằng 249,63% vốn chủ sở hữu, tức là âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần).
Trên thực tế, việc lãi mà các bị cáo “nhìn” thấy này chỉ là lãi trong ngắn hạn. Còn lại, phần lớn số tiền sau khi huy động vốn về được tập trung vào nhóm lợi ích của bị cáo Hà Văn Thắm thông qua các công ty “sân sau” của Thắm, đầu tư vào chứng khoán và bất động sản.
Đây chính là nguồn gốc gây ra hậu quả nợ xấu, do nguồn đầu tư này là đầu tư dài hạn, chưa sinh lời, không có lãi để trả nợ cho ngân hàng nên Hà Văn Thắm tiếp tục huy động vốn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo