Đại bàng” gãy cánh giữa trùng khơi
Chiếc xe đặc chủng vừa khóa chặt cửa cũng là lúc những gam màu xám xịt phủ trùm lên thân xác một tử tù bắt đầu những chuỗi ngày thấp thỏm, hồi hộp chờ ngày “dựa cột”.
Cái chết có thể đến trong bất chợt rồi hết nhưng bóng tối của những ngày biệt giam, những tiếng bước chân phía ngoài song sắt khi trời gần về sáng, tiếng cửa sắt loảng xoảng là những gì Lê Minh Hải đã trải qua.
Tử tù Lê Minh Hải đã hết cái thời hoàng kim của “đại bàng” từng thách thức phong ba, bão táp giữa biển khơi. Sự bao la của biển cả nhường chỗ cho bốn bức tường lạnh giá trong buồng biệt giam đợi ngày ra pháp trường
Cánh chim trời vô định
Lê Minh Hải là con trai độc nhất của Anh hùng lao động đầu tiên Việt Nam – Lê Minh Đức. Ông sinh ra tại căn cứ U Minh - nơi cha ông đang làm thợ quân khí, sản xuất vũ khí phục vụ Cách mạng. Năm 16 tuổi, Hải theo cha tập kết ra Bắc.
Nhờ học giỏi, thông minh, lại lanh lẹ nên Hải được bộ trưởng Tạ Quang Bửu cho gọi tới nói chuyện. Bộ trưởng cho Hải tự chọn ngành nghề và Quốc gia để đi du học, mong sao trở về sẽ đem sự học ấy giúp ích cho nước nhà, xây dựng quê hương giàu đẹp. Cuộc đời Lê Minh Hải như được trải thảm, tương lai rạng ngời mở lối cho Hải đi.
Hải chọn học ngành hàng hải với những ước mơ về con tàu sừng sững bẻ lái giữa trùng khơi và Liên Xô là điểm đến lý tưởng cho hành trình này. Năm 1976, Minh Hải trở về nước nhận công tác tại Sở Giao thông vận tải TP. HCM. Vốn bản tính năng nổ, không chịu ngồi yên một chỗ nên ngoài giờ làm việc, Hải còn là một cầu thủ đá banh có tiếng cho Xa cảng miền Tây.
Giữa năm 1978, Hải về làm thợ máy tàu biển của sở, nhưng mới xuống tàu chưa kịp trải nghiệm cảm giác bồng bềnh trên biển cả, mọi thứ đều mới mẻ và bỡ ngỡ thì tai họa ập tới. Hải bị bắt giam vì bị tình nghi ăn cấp vải, hàng hóa trên tàu. Có đầy đủ các chứng cứ ngoại phạm, chứng minh mình trong sạch nên Hải được trả về ngay sau đó.
Cuối năm 1981, Liên Xô viện trợ cho 3 chiếc tàu vận tải biển. Ban giám đốc Công ty vận tải biển TP.HCM cử các thuyền trưởng, máy trưởng ra Hòn Gai – Bãi Cháy (Quảng Ninh) nhận tàu. Hải lúc này là máy trưởng cũng có mặt trên chuyến đi đó.
Trong dịp Noen năm 1981, anh quản trị trưởng bất ngờ lên cơn điên đổ xăng đốt tàu rồi nhảy xuống biển chạy trốn. Anh ta leo lên một thuyền chài, chủ thuyền ngỡ là cướp nên đập một cây vào đầu khiến anh ta chết chìm.
Khám nghiệm tử thi cho biết: Chết mà không uống nước tức chết trên tàu rồi quang xác xuống biển. Công an lập tức bắt thuyền trưởng và máy trưởng Lê Minh Hải để điều tra về cái chết của quản trưởng.
6 tháng sau, cơ quan điều tra kết luận Lê Minh Hải vô tội nên ông được tự do. Chỉ trong vòng mấy năm, từ một cậu ấm học hành thành tài xứ người trở về quê hương theo đuổi ước mơ viễn dương nhưng hiểm họa liên tiệp giáng xuống Lê Minh Hải.
Cho dù đó là oan sai nhưng đó cũng là một điềm báo chẳng lành trên con tàu chở cuộc đời đầy hoài bão đối với Hải Robert. Lê Minh Hải thi đậu máy trưởng tàu viễn dương và bắt đầu cuộc trường chinh trên biển cả. Năm 1988, “cánh đại màng” ngừng bay, trở về đất liền làm giám đốc xí nghiệp tàu biển niềm Nam.
Một năm sau đó, ông ứng thi làm giám đốc Nhà máy sửa chữa tàu biển Sài Gòn thuộc Cục đường biển Việt Nam. Ông xuất sắc vượt qua các thí sinh “tầm cỡ” để trở thành giám đốc thi tuyển đầu tiên Việt Nam. Những năm tháng Hải về tiếp quản công ty, mọi khó khăn đều được ông khắc phục, nhiều giải pháp hữu hiệu về sản xuất được áp dụng thành công.
Công nhân viên có công ăn việc làm ổn định, mức sống được nâng cao. Vậy nhưng “vận đen” của điềm xấu những năm trước vẫn chưa buông tha Hải, ông bị một số người ganh tị, tìm đủ mọi cách loại bỏ. Mặc dù trong cuộc bầu cử hội đồng năm đó, Hải giành trên 90% số phiếu ủng hộ, nhưng ông vẫn phải ra đi.
Lê Minh Hải lại quay về với “cánh chim trời” vô định, ông cô đơn trên hành trình đầy khổ ải của một “anh hùng” thất thủ.
Doanh nhân Hải Robert vẫn ngùn ngụt niềm đam mê với các dự án về biển
“Đại bang” gãy cánh
Năm 1993, Lê Minh Hải thành lập Công ty TNHH Dolphin Vũng Tàu để nuôi trồng thủy sản và thăm dò khai thác san hô đỏ ở lòng biển Việt Nam. Công ty của Lê Minh Hải đang đi vào hoạt động, các dự án lớn đang chờ thực hiện thì tai họa khủng khiếp ập đến, Lê Minh Hải bị bắt do bán đất cho Công ty Tamexco.
Đây là vụ án nổi tiếng trong lịch sử ngành kinh tế Việt Nam. Tại phiên tòa sơ thẩm tuyên Lê Minh Hải tử hình và tòa phúc thẩm tòa án Nhân dân tối cao TP. HCM tuyên y án tử hình đối với Hải. Trong phiên tòa này, được nói lời sau cuối, Hải đã nói một câu “bất hủ” khiến mọi người, gia đình đang đau khổ tột cùng cũng phải tỉnh ra: “Tôi không có tội nên không xin tha tội chết”.
Ông vừa dứt lời cũng là lúc cánh cửa cuộc đời của Hải Robert khép lại sau khung cửa sắt chiếc xe tù. Cha mẹ, vợ con khóc ngất khi biết tin ông phải chết. Trong lúc tòa tuyên án, Hải không hề nghĩ đến cái chết, ông chỉ nghĩ đến sự bất công đối với bản thân mình.
Thay vì khóc lóc, khủng hoảng, sợ sệt thì Hải lại lầm lỳ cương nghị bước đi. Bắt đầu những chuỗi ngày đen tối nhất trong phòng biệt giam dành cho tử tội. Mỗi tiếng gót giày lạnh lùng vang bên ngoài phòng giam là một lần thót tim.
Lê Minh Hải tâm sự: “Khi về phòng giam rồi tôi mới cảm nhận hết được sự lạnh giá của... căn buồng chết. Sự tối tăm, yên ắng càng tăng thêm ám khí mà chỉ có những tử tù như chúng tôi mới cảm nhận được. Như thường lê,å cứ khoảng 4h sáng là chúng tôi đều thức dậy, lắng nghe tiếng bước đi, tiếng mở khóa phòng. Và khi tiếng kêu ấy không phải là phòng mình mới yên tâm, biết rằng mình lại được sống thêm một ngày nữa”.
Gan lỳ, sắt đá như Hải Robert vậy mà phải hãi hùng trước thần chết. Khi người ta đã bất cần rồi thì họ không sợ trời sợ đất, chính vì thế mà có thể làm những việc phạm tội nhưng khi họ tĩnh tâm lại, biết được con đường phía trước là vực thẳm thì “thần chết” đối với họ quả khủng khiếp.
Hải cũng là con người lại là người có ý chí, có ước mơ và hoài bão lớn lao nên sự sống đối với ông nó quý giá biết nhường nào. Sau này, một người bạn của ông đã khẳng định: “Ở hoàn cảnh như Hải, nhiều người sẽ phát điên hoặc nghĩ quẩn nhưng Hải thì không, anh bình tĩnh, chịu đựng tất cả, nén đau khổ vào tận đáy lòng. Chỉ có Hải mới làm được điều đó”.
Ở trong tù, Hải đâu biết rằng, vợ ông, bà Nguyễn Thanh Hồng một giảng viên đại học sư phạm vì không chịu nổi miệng lưỡi người đời, sự dèm pha của bạn bè, sự tủi hổ của người vợ có chồng là tử tù đã phải nghỉ dạy.
Từ một cô giáo, bà trở về làm trụ cột trong gia đình vừa chăm cho hai con ăn học vừa thăm nuôi chồng trong tù. Cha Hải, một anh hùng lao động đầu tiên của Việt Nam đã gạt bỏ địa vị, danh vọng để ngày ngày chạy ngược, chạy xuôi gõ cửa khắp các cơ quan, đơn vị giải cứu cho con.
Vụ án Tamexco xét xử ngày 23/1/1997 với 20 bị cáo bị truy tố các tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước, lợi dụng chức cụ quyền hạn và tham ô tài sản... với số tiền liên quan lên tới hàng tỷ đồng. Bốn bị cáo tòa tuyên tử hình gồm: Phạm Huy Phước – giám đốc công ty Tamexco, Trần Quang Vinh – giám đốc công ty TNHH Bình Giã, Lê Minh Hải – giám đốc công ty TNHH Dolphin Vũng Tàu và Lê Đức Cảnh –trường phòng công chứng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. |
Theo Hoa Nguyên (Ngươduatin.vn)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới