Tin tức - Sự kiện

Đại biểu Dương Trung Quốc: Cần chất vấn theo vấn đề

Đầu tuần tới, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sẽ diễn ra trong 3 ngày liên tục với nội dung chất vấn 4 vị Bộ trưởng; Công Thương, Giao thông vận tải, Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ và Thủ tướng Chính phủ giải trình làm rõ thêm.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Bên hành lang QH, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã có trao đổi về hoạt động này.

Trước thềm của hoạt động chất vấn, nhìn lại quá trình điều hành của Chính phủ đối với một số vấn đề quan trọng của đất nước trong thời gian qua, ông có nhận định như thế nào?

Mấy năm vừa rồi chúng ta đứng trước nhiều thách thức như tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung và tình huống phải ứng phó cụ thể, đặc biệt là liên quan đến quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Nhìn vào đó có thể thấy ứng phó của Chính phủ là rất giỏi, rất có năng lực trong việc ứng biến, nhưng từ đó tôi cũng thấy rằng ứng biến không thể lâu bền được mà chúng ta phải làm sao để có đủ năng lực phát triển một cách bền vững, làm cho độ rủi ro ít đi thì tốt hơn.

Ông có thể nhận xét cụ thể một số bộ ngành?

Cái khó nhất hiện nay là kinh tế phát triển mạnh nên có nhiều yếu tố tác động, trong khi đó với cơ chế của mình tôi vẫn cảm thấy có vấn đề.

Tôi lấy ví dụ như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chẳng hạn, bộ trưởng phải quản nhiều lĩnh vực cực kỳ rộng mà xưa là vài bộ hoặc tổng cục cơ quan ngang bộ...

Hai là những vấn đề mà người dân đánh giá dễ nhất lại không thuộc phạm vi của một bộ nào cả mà có tính liên ngành lớn, ví dụ như độ an toàn của mâm cơm, không chỉ là nông sản của người nông dân mà còn là sản phẩm của ngành công nghiệp rồi cả ngành y tế... nên sự điều hành ấy phải hết sức đồng bộ.

Tôi nghĩ rằng cách chất vấn hiện nay không phù hợp lắm vì “động” đến một vấn đề nào thì một bộ trưởng có thể lấy lý do không quản vấn đề này, do đó, tôi rất muốn lấy vấn đề đời sống ra chất vấn chứ không phải lấy công việc của bộ ra chất vấn.

Trả lời câu hỏi tại sao mâm cơm không an toàn không chỉ một bộ mà một số bộ liên quan cùng vị Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề đấy trả lời.

Hoặc trả lời tại sao để xẩy ra nhiều tai nạn giao thông phải có Bộ Giao thông Vận tải là đúng rồi, nhưng còn cần có Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Vậy trong các vấn đề mà 4 vị bộ trưởng phụ trách sắp tới trả lời chất vấn, ông sẽ dành sự quan tâm và chất vấn về lĩnh vực nào?

Tôi thường không gửi câu hỏi trước vì đại biểu theo dõi từng ngành họ am hiểu hơn. Trong quá trình chất vấn tôi thấy nảy sinh vấn đề gì thì đặt câu hỏi, cá nhân tôi hay đặt câu hỏi như vậy bởi thời lượng không nhiều nên dành câu hỏi cho những đại biểu am hiểu và quan tâm.

Ông có đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ?

Tôi sẽ hỏi Thủ tướng một câu hỏi xứng tầm với Thủ tướng.

Xin cảm ơn ông!

Lịch chất vấn dự kiến trong 3 ngày 17, 18, 19-11:

Sáng 17-11: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ sau lần báo cáo trước (kỳ họp thứ 6) đến nay.

Chiều 17-11: Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về các nội dung: Phát triển công nghiệp hỗ trợ; Phát triển công nghiệp chế tạo trong nước đáp ứng nhu cầu máy móc, công cụ trang thiết bị phục vụ cho sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng lậu, nhất là hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp; Sự tham gia của Việt Nam đối với hệ thống phân phối bán lẻ trong nước; giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này.

Mời Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Tài chính tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.

Sáng 18-11: Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về: Thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng công vụ. Giải pháp thực hiện tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng có quá nhiều cấp phó ở các cơ quan trung ương; nâng cao năng suất lao động; cải cách chế độ tiền lương...

Mời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Thanh tra Chính phủ tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.

Chiều 18-11: Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về: Tình trạng chung của hạ tầng giao thông; Giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, sớm hoàn thành quốc lộ 1A, giảm suất đầu tư, đảm bảo chất lượng công trình giao thông; Trách nhiệm của Bộ và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông; Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải.

Mời Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.

Sáng 19-11: Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về: Thực trạng và giải pháp giải quyết việc doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật lao động (nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương...) ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; Tình hình và công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam...

Mời Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Công an; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.

Chiều 19-11: Sau khi các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề có liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Báo Hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo