Đại biểu phải cùng Chính phủ hiến kế gỡ khó cho doanh nghiệp
(haiquan) Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng trao đổi xoay quanh thực trạng của doanh nghiệp và biện pháp để Quốc hội cùng Chính phủ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông có thể cho biết tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp ở Hải Phòng?
Hiện nay doanh nghiệp ở Hải Phòng cũng trong tình trạng chung của doanh nghiệp cả nước, vì đó là khó khăn chung, Hải Phòng không đứng ngoài cuộc. Những vấn đề còn tồn tại là hàng tồn đọng, xử lý nợ xấu, tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng còn khó khăn.
Việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng đến nay không khó khăn đối với những doanh nghiệp đã sản xuất kinh doanh được vì ngân hàng đã hạ lãi suất, từ 7-11%. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện không hào hứng tiếp cận các nguồn vốn đó vì chưa tìm được thị trường nên có 2 chiều hướng: Một là đơn vị bán được hàng, xuất khẩu được hàng, thì tiếp tục vay vốn để sản xuất. Hai là một số doanh nghiệp vẫn sản xuất được, nhưng vốn và hàng còn tồn đọng thì không vay vốn nữa mà lựa chọn cách gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi, trong khi đó tiếp tục tìm phương án bán hàng tồn kho và có chiến lược đi tìm thị trường, sau khi tìm được hướng làm ăn mới sẽ rút tiền ra, có lãi cộng với vốn vay mới để tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Như vậy, tại thời điểm này ngân hàng có muốn cho vay thì doanh nghiệp cũng “ngoảnh mặt” phải không, thưa ông?
Ngân hàng có giảm nữa thì cũng như tôi vừa phân tích. Nhiều người giờ vốn có nhưng không biết làm gì. Có những doanh nghiệp gửi tiền ngân hàng, bán hàng tồn kho và đang chờ đợi cũng như tiếp tục tìm thị trường, để chuẩn bị cho bước đi tiếp theo.
Bây giờ nền kinh tế cũng đã đi được gần nửa chặng đường năm nay rồi, cũng là lúc rất cần kiến nghị và giải pháp từ phía Quốc hội và Chính phủ, ông có đề nghị gì tới Quốc hội để cứu doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, thưa ông?
Theo tôi, trong kỳ họp này, chúng ta không nên “kêu” Chính phủ nhiều quá mà mỗi đại biểu Quốc hội phải cùng với Chính phủ bàn và tìm những biện pháp để tháo gỡ khó khăn, chứ không nên chỉ biết kêu mà không biết đưa ra giải pháp.
Tôi cho rằng, những vấn đề nào của Chính phủ còn tồn tại thì nêu lên để khắc phục. Ví dụ năm 2012 Chính phủ đã rất cố gắng do vậy trong 15 chỉ tiêu thì đã hoàn thành 11 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu vô cùng phấn đấu là chỉ tiêu giảm nghèo, còn 4 chỉ tiêu chưa đạt. Trong đó có chỉ tiêu về GDP không thực hiện được, nhưng chúng ta phải hiểu Chính phủ đã hết sức nỗ lực rồi, thì đến lúc Quốc hội cũng phải xắn tay vào tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm để hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu đã đề ra trong năm nay. Đây là vấn đề Quốc hội phải cùng Chính phủ tháo gỡ để giải quyết cho dân.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhắc đến một vấn đề cốt yếu khi phát triển kinh tế, cần phải có 3 yếu tố quan trọng là nhân lực, đầu tư và chính sách. 3 vấn đề này sẽ vực dậy nền kinh tế. Ngày xưa đơn thuần chỉ sản xuất nông nghiệp thì người ta thường hay nói: Nhân lực là cha, đất đai là mẹ. Nhưng bây giờ nguồn nhân lực vẫn là cái chính, sau đó là đầu tư và chính sách của Nhà nước để kích thích các nguồn lực phát triển kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
Minh Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo