"Việc Bộ trưởng Đinh La Thăng ra quyết định tạm đình chỉ Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam theo tôi là đúng, tiền đi vay nước ngoài thì vẫn do người dân đóng thuế cho nhà nước để trả nợ", ông Dân nói.
Trao đổi với PV về việc tăng tổng mức đầu tư dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lên 339 triệu USD so với ban đầu, Đại tá Phạm Trường Dân, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quang Nam cho rằng: Dự án tăng hơn nửa vốn đầu tư so với ban đầu như vậy là quá lớn, tăng 1 đồng cũng là tiền mà dân phải đóng thuế cho Nhà nước để trả nợ, việc ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt phát ngôn như vậy là thiếu trách nhiệm.
- Thưa ông, mới đây Bộ trưởng Đinh La Thăng ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục đường sát Việt Nam vì phát ngôn không đúng, thiếu trách nhiệm trước việc đội giá dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lên 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu, vậy ông có ý kiến gì trước quyết định này của Bộ trưởng Thăng?
- Với cương vị là một Cục trưởng quản lý nhà nước về đường sắt mà ông Thắng phát biểu vô trách nhiệm như vậy là không thể chấp nhận được. Việc Bộ trưởng Đinh La Thăng đình chỉ chức vụ Cục trưởng Cục Đường sắt là có lý do của nó, không phải đơn giản thích tăng mức đầu tư là tăng, khi dự án phê duyệt đã tính đầy đủ những chi phí cần thiết và nguyên nhân của việc đội giá ở đây là gì cũng phải làm rõ. Theo tôi, việc đội giá tổng mức đầu tư so với ban đầu không chỉ xảy ra ở một công trình này mà tôi thấy nó xảy ra ở nhiều công trình dự án khác.
Đây cũng là vấn đề liên quan đến dự án luật đầu tư công, sắp tới Quốc hội họp tôi cũng sẽ có ý kiến về vấn đề này.
Việc tạm đình chỉ Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam của Bộ trưởng Thăng theo tôi là đúng. Tôi cho rằng, trước khi cách chức quân của mình thì Bộ trưởng Thăng đã phải kiểm tra và việc này thể hiện sự kiên quyết của Bộ trưởng.
- Việc “xử” quân của Bộ trưởng Đinh La Thăng theo ông có giảm được tình trạng đối giá mức đầu tư các dự án của ngành giao thông, thưa ông?
- Việc cách chức này cũng là để cảnh báo, răn đe những cán bộ quản lý khác của nhà nước, không chỉ ngành giao thông vận tải mà các ngành khác cũng vậy, không thể làm trái các quy định của nhà nước. Việc cách chức này góp phần khắc phục những nhược điểm lợi dụng để đội giá dự án, không phải do cơ chế quản lý giao thông thoáng quá mà muốn đội giá thì đội, muốn tăng thì tăng.
- Như vậy việc tăng giá của các dự án so với ban đầu là do lỗ hổng trong quản lý thưa ông?
Tôi cho là như vậy. Tôi cho rằng muốn hạn chế được việc đội giá mức đầu tư so với ban đầu thì trước khi phê duyệt dự án phải tính kỹ, tính đủ và trong quá trình thi công phải kiểm soát chặt chẽ nếu không dự án sẽ phát sinh rất nhiều.
Theo tôi dự án sau khi được duyệt chỉ được trượt giá so với ban đầu trong phạm vi cho phép của nhà nước, ví dụ như giá nhân công, nguyên vật liệu.
- Ông nhận xét gì về con số đội giá 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu của dự án Cát Linh – Hà Đông?
Tôi thấy con số 339 triệu USD hoàn toàn không nhỏ. Việc tăng 339 triệu USD cho dự án đó là nguồn vốn nhà nước đi vay của nước ngoài nhưng để trả nợ số tiền này vẫn do tiền của dân đóng thuế cho nhà nước. Như vậy vẫn là tiền của dân và dân phải cõng để trả nợ. Việc đội giá từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD so với ban đầu như vậy là quá lớn. Theo tôi Bộ giao thông phải xem xét kỹ việc đội giá này.
- Xin cảm ơn ông!
Infonet