Xã hội

Đại biểu Quốc hội: "Chúng ta đang đầu độc chính mình"

(DNVN) - Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các cơ quan chức năng trong vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nhân thực tế về vấn đề thực phẩm còn nhiều điều đáng bàn...

Báo cáo giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), giai đoạn 2011-2016 cho thấy, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm. 

Đặc biệt, trong diai đoạn 2011 - 2016, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000​ ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.

Thảo luận trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, việc kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay mới làm được phần ngọn, trong khi việc kiểm soát theo chuỗi vẫn chưa thực sự làm tốt và nhiều người tiêu dùng đang thiếu lòng tin về thực phẩm an toàn.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nhân ( tỉnh Bình Dương) đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các cơ quan chức năng trong vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đại biểu thừa nhận thực tế về vấn đề thực phẩm còn nhiều điều đáng bàn, chưa phản ánh được bức tranh toàn diện về vấn đề.

Theo đại biểu, thực tế không khó để tìm thông tin về những vụ bắt giữ thực phẩm bẩn trong thời gian qua. Điển hình là hàng loạt các vụ bắt giữ cả chục tấn thịt, nội tạng đã bốc mùi hôi thối được nhập từ biên giới Trung Quốc. Bên cạnh đó là những thông tin chế biến nem chua bằng hoá chất hay dùng hoá chất để bến thịt bò, thịt lợn hôi thối thành khô bò, chà bông…

Ông Nhân cũng dẫn chứng, theo báo cáo, hàng năm Việt Nam bỏ ra không dưới 770 triệu USD để mua thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất với hơn 4.000 loại khác nhau, trong đó 90% trong đó được nhập Trung Quốc, đáng chú ý là chỉ có 630 loại được lưu hành. Chưa kể, theo đại biểu Nhân, đó là con số nhập khẩu được cho phép, chưa kể số lượng hoá chất được thông quan qua đường tiểu ngạch, nhập lập qua đường biên giới mà không kiểm soát được.

“Không quá khi nói chúng ta đang đầu độc chính mình?”, đại biểu Nhân đặt vấn đề. Trong phát biểu của mình, đại biểu Nhân cũng nêu câu hỏi: "Quốc hội nghĩ gì khi có tới 70.000 người chết vì ung thư mỗi năm, trong đó có một phần nguyên nhân là sử dụng thực phẩm không an toàn?".

Mặc dù rất đồng tình với những nhận định mà đoàn giám sát Quốc hội nêu trong báo cáo về vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo đại biểu Nhân thì vẫn còn cần một điều gì đó phải lên tiếng.

 

“Chúng ta nhiều lần trông chờ sự tử tế của người sản xuất kinh doanh nhưng những gì chúng ta nhận được lại không như mong muốn bởi cái bóng lợi nhuận quá lớn… Một khi khi sự kiên trì đã đến giới hạn thì đã đến lúc cần sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật”, ông Nhân nói.

Đại biểu Nhân cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết trong việc nhập cuộc của chính người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ, đấu tranh lại thực phẩm bẩn. “Sự chung tay của cộng đồng là rất quan trọng. Phải coi sản xuất thực phẩm là tội ác. Bất kỳ sự thoả hiệp hay bắt tay với cái ác đều đáng bị lên án”, ông Nhân nói.

Trên cơ sở đó, ông Nhân tha thiết kêu gọi người kinh doanh hãy vì lương tri, vì sự tồn vong quốc gia chấm dứt ngay việc sản xuất thực phẩm bẩn. 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo