Sàng lọc để ngăn Việt Nam là "bãi rác công nghệ"
Cuối tuần qua, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải thông qua dự án luật này nhưng cần bổ sung một số nội dung để tránh tình trạng Việt Nam trở thành "bãi rác công nghệ" trong tương lai.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, mặc dù việc chuyển giao công nghệ được cấp phép nhưng rõ ràng có những khe hở trong quá trình thực hiện, điều này không khắc phục được tình trạng nguy cơ biến nước ta thành nơi chứa các sản phẩm công nghệ, thiết bị lạc hậu nhiều khi tới 2 – 3 thế hệ như thời gian qua.
"Tôi đề nghị bỏ khoản 2 điều 11 để đảm bảo tình ngăn ngừa cũng như tính nhất quán trong nội dung chính sách. Bên cạnh đó các khoản B, công nghệ máy móc thiết bị không còn sử dụng phổ biến tại các quốc gia phát triển; khoản C tạo ra sản phẩm có sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại cần được bổ sung điều kiện để đảm bảo chặt chẽ hơn", đại biểu này đề nghị.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) cũng lo ngại, nếu không có cơ chế, chính sách bảo vệ, thì Việt Nam sẽ nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ bị lỗi của thế giới. Không ít doanh nghiệp trong nước bị gài mua công nghệ lạc hậu, lỗi thời, thiếu đồng bộ. Thậm chí, có doanh nghiệp biết là công nghệ lỗi thời, lạc hậu, nhưng vẫn nhập khẩu do tham giá rẻ.
Theo đại biểu này, để tránh tình trạng Việt Nam có thể trở thành "bãi rác công nghệ" thì phải có chính sách khuyến khích phát triển các tổ chức, cơ quan trung gian thẩm định, kiểm tra công nghệ trước khi du nhập vào Việt Nam. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước phải liên tục cập nhật danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao. Muốn làm được điều này, cần có chính sách đào tạo, thu hút nhân lực đủ trình độ sàng lọc công nghệ cũ, "công nghệ bãi rác.
Đại biểu Quốc hội K`Nhiễu (đoàn Lâm Đồng) đánh giá, Luật chuyển giao công nghệ đã được thực hiện 10 năm nhưng thực tiễn hoạt động chuyển giao công nghệ vẫn còn trầm lắng, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội, chính sách của nhà nước đối với chuyển giao công nghệ của dự thảo luật sửa đổi lần này vẫn chưa rõ, chưa thể chế hóa đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng thành quy định pháp lý.
Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung chính sách và cơ chế đồng bộ trong luật nhằm khuyến khích sáng tạo, tạo nguồn cung công nghệ để các viện, các trường, các Sở công nghệ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đề tài cho các doanh nghiệp có nhu cầu; cần có chính sách thu hút tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến; cần có các định chế trung gian trên thị trường công nghệ để hình thành và phát triển cơ sở vật chất kĩ thuật, nhân lực, cơ sở dữ liệu công nghệ và cơ chế hoạt động và cũng cần có chính sách riêng cho hoạt động chuyển giao công nghệ, để phát triển nông nghiệp nông thôn.
Có cùng đề xuất, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương – tỉnh Gia Lai cho rằng, trong giai đoạn phát triển của nước ta hiện nay, luồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn là một kênh quan trọng để đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ quốc gia. Vì vậy, trong chính sách của nhà nước về chuyển giao cần bổ sung chính sách về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Cụ thể hơn thì đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh vấn đề thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ có chất lượng cao được đào tạo bài bản từ các nước có nền khoa học tiên tiến, họ đang làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường đại học tham gia tích cực vào chuyển giao khoa học công nghệ. Cần có chính sách trọng dụng thực sự hấp dẫn, thiết thực để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có bí quyết công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Nhà nước cần quy hoạch rà soát để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng một số tổ chức khoa học công nghệ, ươm tạo mạnh thực sự về trình độ đội ngũ, về cơ sở vật chất và môi trường làm việc. Có chính sách và cơ chế đặc thù đặt hàng giao nhiệm vụ cho các tổ chức nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ, thử nghiệm các công nghệ mới.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên chuyển giao công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo nhà nước có chính sách ưu tiên với các công nghệ sản xuất giống cây trồng, chịu hạn, kháng mặn đang rất cần phải chuyển giao để phục vụ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước