Đại biểu Quốc hội: "Chúng ta làm 1 đồng, tiêu 3 đồng"
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 9/6, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) đã thẳng thắn nêu rõ 6 bất an của người dân hiện nay, trong đó có tình trạng mất cân đối cân sách.
Theo ông Phong, tính ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm; các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, đặc biệt là nặng về đầu tư công trong khi hiệu quả đầu tư thấp, nợ công còn cao. Theo chỉ số nợ công thì hiện mỗi người dân Việt Nam có thể gánh 1.000 USD và xu hướng còn tăng trong những năm tới.
"Áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư phát triển chưa cân bằng, chi thường xuyên gần 70%, mức bội chi ba lần tăng trưởng. Như vậy, chúng ta làm 1 đồng tiêu 3 đồng. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ kết quả tăng trưởng GDP chưa như mong muốn", ông Phong nói.
Trong khi đó, là người phát biểu đầu tiên tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cũng nói về tình hình thu chi ngân sách, vay nợ Chính phủ.
Theo bà Thơ, về vấn đề chi ngân sách, thông thường phải tăng chi đầu tư phát triển và giảm chi thường xuyên. Kế hoạch Chính phủ xây dựng trước đó cũng đề ra mục tiêu chi thường xuyên của 2016-2020 trong khoảng 25-26%, giảm so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên gần đây, chi thường xuyên lại có xu hướng tăng dần, ngược lại tổng chi đầu tư phát triển giảm. Mức bình quân chi thường xuyên những năm trở lại đây chiếm khoảng gần 30% cơ cấu tổng chi ngân sách. Trong khi đó, năm 2016 chi đầu tư phát triển chỉ chiếm gần 19,72%, chưa bằng một phần năm trong tổng chi ngân sách.
Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng đề cập đến vấn đề nợ Chính phủ. Theo vị này, những năm qua Chính phủ dành ngân sách không nhỏ để trả nợ nhưng vẫn không đủ nên phải đi vay để đảo nợ.
"Một con số rất đáng trăn trở là năm 2017, dự toán chi trả nợ nợ gốc là 163.846 tỷ đồng, trong đó vay trả nợ gốc là hơn 156.537 tỷ đồng. Tình trạng đảo nợ cho thấy Chính phủ đang gặp trục trặc về khả năng trả nợ", bà Thơ cho biết.
Cũng theo bà Thơ, các con số trong báo cáo cho thấy Việt Nam đang loay hoay trong bài toán đảm bảo thường xuyên, tức là vay cho tiêu dùng và đi vay để trả nợ vay. Trong khi đó về nguyên lý là các khoản nợ vay chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển và được sử dụng lợi nhuận của nền kinh tế để chi trả.
"Do vậy, tôi cho rằng cơ cấu lại các khoản chi theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng đầu tư phát triển là vô cùng cấp bách. Điều đó cũng đồng nghĩa Chính phủ phải mạnh tay hơn nữa để tinh giản biên chế. Cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, tiết kiệm...", bà Thơ đề xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT