Thị trường

Đại biểu Quốc hội: Còn bao nhiêu dự án thua lỗ, thất thoát khác?

(DNVN) - Đặt chất vấn với Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, một đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngoài 12 dự án thua lỗ, thất thoát đã được xác định, còn bao nhiêu dự án thuộc các Bộ, ngành trung ương quản lý rơi vào tình trạng tương tự.

Tại phiên chất vấn chiều 15/6, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề, tại kỳ họp thứ 2, Chính phủ báo cáo 5 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, được dư luận xã hội quan tâm. Vừa qua, Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý một số dự án kém hiệu quả xác định 12 dự án gây lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng, hiệu quả đầu tư kém.

"Xin Chính phủ cho biết, ngoài 12 dự án đã được xác định, có bao nhiêu dự án thuộc các Bộ, ngành trung ương quản lý rơi vào tình trạng tương tự như trên? Chính phủ có giải pháp gì?", ông Tiến đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Văn Tiến chất vấn.

Trả lời chất vấn trên, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, Chính phủ đã công khai thông tin về 12 dự án nêu trên. Các dự án đó sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại theo hướng không để thất thoát và không dùng ngân sách để trả nợ; giải quyết các vấn đề theo cơ chế thị trường; xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Ngoài 12 dự án trên, ông Bình xin phép Quốc hội trả lời "một cách ước lệ" là còn những dự án khác thua lỗ, kém hiệu quả, nhưng phải qua rà soát để xác định cụ thể. "Nếu phát hiện thêm dự án nào có vấn đề tương tự, Chính phủ cũng sẽ giải quyết như đối với 12 dự án đắp chăn, đắp chiếu đó”, ông nhấn mạnh.

Trước đó, trình bày báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách liên quan đến việc này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ sẽ rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém tại dự án thua lỗ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường.

Đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSNN; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.

Theo Phó thủ tướng, đối với các dự án phục hồi được, có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi và xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo