Đại biểu Quốc hội đồng loạt đề nghị đổi mới lấy phiếu tín nhiệm
Hầu hết các Đại biểu Quốc hội đều bày tỏ quan điểm khi lấy phiếu tín nhiệm chỉ để ở hai mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, đồng thời phải tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – tỉnh Ninh Thuận cho biết, qua tiếp xúc cử tri phàn nàn rất nhiều về các mức lấy phiếu tín nhiệm.
“Tôi không biết là sắp tới Quốc hội mà thông qua dự thảo như thế này thì khi tiếp xúc cử tri không biết phải giải thích thế nào? Cá nhân tôi đã phát biểu nhiều lần là trong Hiến pháp không có chế định lấy phiếu tín nhiệm, cho nên quy định như vậy là không phù hợp với Hiến pháp. Tôi không muốn dùng từ nặng nề là vi hiến. Trong Hiến pháp chỉ quy định bỏ phiếu, ở khoản 8 điều 70. Tôi nghĩ rằng Quốc hội cần thực hiện đúng quy định của Hiến pháp. Còn việc miễn nhiệm thì nếu bầu đồng chí nào ra mà thấy chưa xứng đáng thì miễn nhiệm theo quy định của pháp luật, và việc bỏ phiếu tín nhiệm là một căn cứ đánh giá để miễn nhiệm”, Đại biểu Cương chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng, việc lấy phiếu chỉ để ở hai mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.
“Tôi nghĩ mãi và không thể nào thông suốt được với cái việc để ở ba mức mà lại gọi là thận trọng trong công tác cán bộ. Thận trọng là do mỗi chúng ta chứ. Thí dụ bỏ phiếu ở đây 498 ĐBQH thể hiện tính thận trọng trong đó để đánh giá, chứ tại sao lại đưa ra ba mức thì thận trọng và hai mức không phải thận trọng? Tôi cũng đồng tình với các đại biểu và thời hạn lấy phiếu tín nhiệm cần có hai lần trong một nhiệm kỳ”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng đề nghị cân nhắc về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, những người có số phiếu tín nhiệm dưới 50%, thì cần có thời gian cho họ sửa chữa. Trong trường hợp có đến 2/3 số phiếu không tín nhiệm, cần cho họ từ chức ngay, hoặc bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.
“Có cử chi nói với tôi sao ĐBQH dốt thế nhỉ? Tôi hỏi tại sao thì họ nói là phiếu cao thì tín nhiệm cao, còn phiếu thấp thì đương nhiên là thấp. Họ chê mình như thế đấy. Còn nếu một nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần như dự thảo thì ít, không đánh giá được và chẳng giải quyết được gì cả. Cũng theo Đại biểu Thuyền, mức phiếu tín nhiệm ở ba mức như hiện nay cũng không hợp lý, chỉ nên để ở hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, vì lấy phiếu là để thăm dò năng lực cán bộ”, Đại biểu Thuyền nói.
Đồng quan điểm này, Đại biểu Trần Ngọc Vinh – TP Hải Phòng cũng cho biết: “Khi tiếp xúc với cử tri thì hầu hết cử tri đều đề nghị đại biểu phản ánh với Quốc hội chỉ lấy phiếu ở hai mức thôi. Tôi thấy có hơn 30 tỉnh, thành phố gửi ý kiến về Quốc hội đều có đề nghị điều chỉnh lấy phiếu tín nhiệm ở hai mức thay vì ba mức như hiện nay.
Theo đại biểu Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa), cần phải tính toán kỹ hệ quả của việc lấy phiếu.
“Những người có từ 51% số phiếu không tín nhiệm trở lên, thì không đủ điều kiện làm việc nữa. Đây là Quốc hội, HĐND lấy phiếu, chứ không phải đùa. Phải có hệ quả pháp lý để bố trí, sắp xếp thôi công việc đang đảm nhiệm cho những người khác, như vậy mới có tác dụng” - đại biểu Nam yêu cầu. Đại biểu Lê Nam cho rằng, nếu nghị quyết của Quốc hội giữ như dự thảo, thì bản chất không sửa gì mà chỉ điều chỉnh về thời gian. Ông khuyến cáo điều đó chả khác gì “Quốc hội lấy đá ghè chân mình. Ta đang làm rất tốt, mà rồi lại để nhân dân chê lắm”, ông Nam bày tỏ.
Nguyễn Hoàng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo