Tin tức - Sự kiện

Đại biểu Quốc hội yêu cầu không “siết” nhập cư vào Thủ đô

Hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 5/11 đều khẳng định, giảm tải dân cư ở Thủ đô phải bằng biện pháp kinh tế, xã hội và quy hoạch chiến lược chứ không phải là việc đưa vào luật các điều kiện ràng buộc khắt khe...

  Quản lý nhập cư: Phải nhìn ở bản chất việc quá tải

 

Cũng giống như các ý kiến thảo luận ở tổ trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường hôm qua, hầu hết đại biểu Quốc hội đều không tán thành quan điểm quản lý dân cư bằng biện pháp hành chính cứng nhắc như dự thảo luật. Đại biểu Đào Trọng Nhân (Bình Dương) lập luận: Tại Điều 19 về đăng ký thường trú ở nội thành đưa ra 2 phương án lựa chọn để thắt chặt điều kiện nhập cư là không đủ sức thuyết phục, không thể giải quyết giảm mật độ dân cư ngày càng tăng của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung bằng cách này. Theo ông, luật này không thể phủ định và quy định khác đi so với Luật Cư trú.

 

Trước khi chọn phương án, chúng ta chỉ cần trả lời một cách thấu đáo câu hỏi: "Vì sao môi trường sống chưa hẳn đã tốt nhưng người dân lại thích kéo về Thủ đô?". “Quốc hội có thể đã nghe về vấn đề này từ nhiều năm, trong khi tình trạng kẹt xe, nạn ô nhiễm môi trường, rác thải, mật độ xe cá nhân của Hà Nội đã ở mức báo động... Tất cả quy tụ về Thủ đô, việc người dân tìm đến Thủ đô Hà Nội là chuyện hết sức bình thường, vì Hà Nội còn cần đến họ và bởi tính hấp dẫn của Thủ đô” - ông nói. Theo đó, nếu không thực hiện được vấn đề quy hoạch thì không có cách nào giải quyết được bài toán mật độ dân cư, khi đó luật này lại sớm đem ra để điều chỉnh.

 

Tán thành quan điểm, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) quan ngại: “Tôi đồng ý là cần thiết phải có những cơ chế, chính sách đặc thù hơn để đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô so với các tỉnh, thành phố khác, song rất tiếc là khi đọc dự thảo Luật Thủ đô lần này, tôi vẫn chưa nhìn thấy những cơ chế, chính sách đặc thù nổi bật nào cho Thủ đô”. Ông cho rằng, Ban soạn thảo vẫn chỉ đưa ra những vấn đề như quản lý đất đai, giao thông, dân cư và một số vấn đề khác vào dự thảo luật mà những vấn đề này là bức xúc chung của các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước chứ không riêng gì Hà Nội.

 

Ông Vinh bức xúc: “Việc dự thảo luật đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế cư trú trong nội thành Hà Nội có thể coi đây là một bước thụt lùi trong công tác quản lý quy hoạch cũng như chất lượng làm luật của chúng ta. Hiện nay Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để tăng quyền tự do dân chủ của nhân dân. Nỗ lực áp dụng các biện pháp để cải cách thủ tục hành chính thì dự thảo luật này lại đi ngược lại hoàn toàn, hạn chế quyền tự do cư trú của công dân và đưa ra hàng loạt điều kiện kèm theo nếu muốn được thường trú tại nội thành Hà Nội”.

 

Ông đề nghị cần giải quyết căn cơ giải pháp xây dựng chính sách đồng bộ, cải thiện điều kiện cơ sở về kinh tế, xã hội, quy hoạch như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan tổ chức ra khỏi nội thành, hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận để kéo giãn dân cư ra ngoại thành và các vùng lân cận thay vì chúng ta đặt ra các biện pháp kỹ thuật hành chính tạm thời.

 

Quan trọng là xóa bỏ sự khác biệt giữa có và không có hộ khẩu

 

Giải thích sâu xa hơn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quan trọng là xóa bỏ sự khác biệt giữa người có hộ khẩu và người không có hộ khẩu để Thủ đô có điều kiện thu hút nguồn nhân lực cao cấp, khách du lịch nước ngoài. Quan trọng hơn là quy hoạch lại các phân khu chức năng để hướng người dân không tập trung vào nội đô. Chức năng của nội đô trước hết và chủ yếu là chính trị, hành chính quốc gia, là di tích lịch sử văn hóa, tiếp theo đó là các trung tâm thương mại cao cấp, cao ốc, văn phòng cao cấp. Ở các khu vệ tinh ngoại thành thì được ưu đãi tiện lợi hơn trong sinh hoạt, học tập, chữa bệnh, buôn bán từ đó sẽ bớt lực hấp dẫn vào nội đô.

 

Phân tích về bản chất việc nhập cư, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đưa ra quan điểm đáng suy ngẫm: Nguyên nhân của việc tăng dân cư thời gian qua ở địa bàn thành phố Hà Nội và nhiều thành phố khác có gốc là mất cân đối trong phát triển giữa các vùng, miền trên tất cả các lĩnh vực như lao động, việc làm, thu nhập, điều kiện xã hội sống, điều kiện hưởng thụ, các phúc lợi công cộng của người dân, đặc biệt là chính nhu cầu lao động nhập cư để phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

 

“Do đó, nếu chúng ta dùng biện pháp hành chính như quy định tại Điều 19 nguy cơ sẽ không có hiệu quả, vì quản lý hành chính có thể giảm số lượng người đăng ký tạm trú về mặt sổ sách, giấy tờ, nhưng về thực tế sẽ tăng nguy cơ lượng người nhập cư không chính thức vào đô thị, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội, cả lao động có trình độ và lao động không có trình độ” - ông Tâm giãi bày.

 

Ông cũng cảnh báo, do những rào cản về mặt kỹ thuật dẫn đến những hệ lụy là phát sinh tiêu cực như chạy các điều kiện để được đăng ký thường trú tại Thủ đô.

 

Nếu xây dựng chính sách tốt thì người dân không co cụm ở nội đô

 

Lắng nghe các ý kiến “bác” quy định siết nhập cư trong dự luật, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra góc nhìn bao quát hơn: Bên cạnh những chế tài để chúng ta hạn chế có điều kiện, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nội đô thì chúng ta phải có những giải pháp, những chế tài đi cùng với nó là những chính sách để hướng sự cư trú của người dân ra một không gian rộng lớn còn lại. “Người dân thì có một nguyên lý rất đơn giản "đất lành chim đậu", nếu chúng ta xây dựng được những cơ sở hạ tầng, xây dựng những chính sách tốt thì chắc chắn người dân không phải ai ai cũng muốn co cụm lại trong Thủ đô mà hiện nay còn rất nhiều khó khăn” - nhà làm sử khơi gợi vấn đề rõ ràng.  

 

 

Lo ngại lạm phát khiến mức thuế khởi điểm

9 triệu đồng sớm lạc hậu

Thảo luận tại tổ chiều 5/11 về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, các ý kiến cho rằng việc nâng mức thuế khởi điểm từ 4 lên 9 triệu đồng và giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc từ 1,6 lên 3,6 triệu đồng là cần thiết nhưng không quên cảnh báo, với tình hình lạm phát còn cao và luật còn 1, 2 năm nữa mới có hiệu lực, con số 9 triệu cũng sớm lạc hậu. Về vấn đề này, ban soạn thảo giải thích, nếu lạm phát tổng cộng hơn 20% thì mức thuế sẽ sửa đổi. Nhiều ý kiến lo ngại: Nếu lạm phát như năm 2012 ở mức 8%, thì nghĩa là sau 2,5 năm, mức thuế sẽ được điều chỉnh lại. Nhưng như năm 2008, 2011, lạm phát trên dưới 20% thì không lẽ năm nào Quốc hội cũng phải sửa luật? Trong các năm tới, với tình hình kinh tế khó khăn, còn tiềm ẩn những nguy cơ gây lạm phát cao trở lại thì cũng không có cơ sở để đảm bảo rằng, mức 9 triệu là ổn định.

 

11 nước có luật thủ đô

Với gần 6,5 triệu dân sống trên diện tích 3.345km2, nghĩa là hơn gấp 5 lần diện tích của cả nước Singapore (chỉ có 648km2). Thủ đô Hà Nội hiện nay xếp thứ 125 trong số 240 thủ đô, nghĩa là mức trung bình. Điều cần suy nghĩ là phần lớn 124 thủ đô xếp trên Hà Nội đều có diện tích nhỏ hơn, ít dân hơn nhưng GDP đầu người cao hơn. Trong hồ sơ trình Quốc hội hiện có 11 nước là Kazakhstan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Australia, Nga, Belarus, Trung Quốc, Bỉ, Canada và Pháp có quy định thay luật về thủ đô. Khi được tìm hiểu về Luật Thủ đô của các nước chúng tôi được biết tuyệt đại đa số các nước còn lại không có luật thủ đô. (Đại biểu Hà Huy Thông, Thừa Thiên - Huế).

 

 

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Công An Nhân Dân)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo