Đại gia điếu cày tiết lộ lý do làm khách sạn
Nhà cứ bán rẻ là đắt ngay
Ông Lê Thanh Thản sinh năm 1949 tại Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1974, khi “chỉ còn vài tháng là tốt nghiệp trung học”, ông lên đường tòng quân theo tiếng gọi của “chiến dịch cuối cùng” của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Huế và toàn bộ miền Nam với tư cách một chiến sỹ thông tin.
Ông Lê Thanh Thản trong mắt nhiều doanh nhân khác là một “ca lạ”. Ông lập nghiệp từ tỉnh miền núi Lai Châu bằng nghề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi (công ty tư nhân đầu tiên thành lập năm 1987), sau đó vươn sang Lào.
Ông Thản mở rộng việc làm ăn xuống Hà Nội năm 2000 với việc mua một mảnh đất trong Khu Đô thị Linh Đàm để xây khách sạn Mường Thanh và khu căn hộ nhỏ.
Từ đó đến nay, vị đại gia thích hút thuốc lào vặt, khoái ăn cá trích, đậu phụ chấm mắm tôm này tiến hành đầu tư xây nhiều khu chung cư nhất ở Hà Nội (30 toà, mỗi toà 400 căn, với dân số tương đương một quận).
Khu Đô Thị Xa La rộng 21 ha được đánh giá là đô thị đầu tiên hoàn chỉnh nhất với đầy đủ các hạng mục liên hợp trường học, bệnh viện (dù nằm gần Bệnh viện Quân đội 103), siêu thị, khách sạn… Thời điểm "sốt", giá đất tại dự án này từng lên tới 50-60 triệu đồng/m2.
Không chỉ tạo nên "cơn sốt" mang tên khu đô thị Xa La, các dự án sau này do ông Thản triển khai như khu đô thị Đại Thanh, Kim Văn Kim Lũ, Linh Đàm của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu vẫn luôn đông nghẹt khách trong các đợt mở bán.
Ông Thản cũng cho biết, tuy đã xây dựng khá nhiều dự án chung cư, nhưng hoạt động đầu tư này sẽ còn được tiếp tục, bởi vì rằng “đất thì tôi không thiếu”. Quỹ đất ở khu vực Tây Nam Hà Nội mà ông đã chuẩn bị vẫn còn đủ để tiến hành nhiều dự án khác.
Chia sẻ về bí kíp bán hàng của mình, ông Thản chỉ nói ngắn gọn trong hai từ: "Giá rẻ". Theo ông, để có thể bán được giá rẻ mà vẫn sinh lời thì phải có kế hoạch đầu tư. Cụ thể, chiến thuật của ông là mua bán các khu đất có vị trí thuận lợi cho kinh doanh giá hời hoặc mua lại dự án đang khai thác. Tuy nhiên, trong các thương vụ mua bán, đơn cử như một vài khách sạn 5 sao nổi tiếng tại Hà Nội, ông không bao giờ chạy đua về giá.
Đẩy nhanh tiến độ, quay vòng vốn nhanh và tranh thủ cơ hội bán hàng có thể coi là bài học thành công của doanh nghiệp ông Thản.
Dự án CT6 Khu đô thị Xa La dự kiến cuối quý I/2013 giao nhà, song đến tháng 12/2012 đã hoàn thiện và bắt đầu bàn giao. Dự án Đại Thanh dự kiến quý IV/2013 giao nhà, song với tiến độ này có thể tháng 9/2013 là giao nhà.
Theo ông Thản, nếu áp dụng công nghệ cũ thì 1 tháng chỉ có thể làm được 1 tầng, nhưng nếu áp dụng công nghệ mới thì tiến độ có thể nhanh hơn gấp 4 lần, tức là 1 tháng xây xong 4 tầng. Và vì vậy, tiến độ của dự án sẽ được đẩy nhanh, thời gian bàn giao nhà được rút ngắn hơn nhiều so với trước kia.
Bên cạnh đó, ông Thản cũng đặc biệt chú ý đến vị trí của dự án. Ông sẵn sàng trả mức giá cao cho 1 vị trí quan trọng. Theo ông, có vị trí đẹp là dự án có thể sinh lời cao. Chiến lược “mua cao bán cao ở vị trí quan trọng” luôn được ông Thản áp dụng triệt để.
Làm khách sạn để tạo việc làm cho người dân
Ngoài những thành công trong lĩnh vực bất động sản, ông Lê Thanh Thản còn được biết đến là một trong những doanh nhân kinh doanh khách sạn thành công nhất Việt Nam. Năm 2013, hệ thống khách sạn Mường Thanh do ông Thản làm chủ đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là “Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam”. Tính đến nay, hệ thống Mường Thanh đã có trên 30 khách sạn ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Trong năm 2014, hàng loạt các khách sạn mới trong chuỗi khách sạn này tiếp tuc được ra đời.
Có thể kể đến các khách sạn như khách sạn 5 sao Mường Thanh Quảng Ninh, khách snạ 5 sao Sông Lam TP Vinh (Nghệ An), khách sạn Mường Thanh Đà Lạt, khách sạn 4 sao Mường Thanh Bắc Giang, khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa, khách sạn Mường Thanh Hà Tĩnh,....
Ông Lê Thanh Thản bắt đầu kinh doanh khách sạn từ việc xây dựng khách sạn mini đầu tiên ở hồ Ba Khoang (tỉnh Điện Biên) năm 1993, trên cơ sở khai thác thành công công suất sử dụng phòng, ông Thản tiếp tục xây thêm khách sạn Mường Thanh ở thành phố Điện Biên Phủ.
Nói về tên gọi Mường Thanh, ông Thản cho hay: Mường Thanh - theo tiếng Thái là Mường Trời, là vùng văn hóa Thái tiêu biểu, là một trong những cái nôi của người Thái. "Chúng tôi kỳ vọng hệ thống khách sạn Mường Thanh sẽ trở thành một điểm đến, một Miền Thanh Thản Đất Trời như cái tên của nó", ông Thản nhấn mạnh.
Thành công trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhưng ông Thản chỉ tâm niệm rất đơn giản là làm khách sạn, mục tiêu lớn nhất là tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Với hệ thống hơn 30 khách sạn Mường Thanh đã tạo được công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động ở Nghệ An.
"Quê tôi vốn là vùng đất nghèo, không được thiên nhiêu ưu đãi, nên người dân giàu nghị lực mà vẫn khổ. Vì vậy, khi tuyển nhân viên tôi thường ưu tiên người Nghệ An trước, rồi mới đến dân các tỉnh khác. Giờ đi đâu, cứ có khách sạn Mường Thanh là thấy người Nghệ An. Tôi hay đùa: “Tiếng Nghệ An cũng là đặc sản của khách sạn Mường Thanh", ông Thản cho hay.
Chia sẻ về bí quyết thành công trong kinh doanh khách sạn, ông Thản nói: "Tiêu chí làm khách sạn của tôi cũng như bất động sản, lấy giá rẻ nhưng dịch vụ tốt để cạnh tranh. Cũng 4 sao như nhau nhưng giá phòng khách sạn của tôi chỉ bằng nửa khách sạn của Tây.
Ví dụ, khách sạn của họ 60 – 70 USD/đêm, thì khách sạn của tôi chỉ 30 – 40 USD/đêm. Khách của tôi cũng chủ yếu là khách tour, nên giá rẻ, phục vụ tốt, ắt sẽ đông thôi".
Được coi là một trong những đại gia "kín tiếng" bậc nhất Việt Nam, nhưng ông Thản vẫn được biết đến với những biệt danh như "đại gia điếu cày", "đại gia hút thuốc lào". Điều khiến những người đã từng tiếp xúc với ông Thản luôn cảm thấy ấn tượng là bởi sự giản dị, gần gũi, thân thiện của ông.
Hiếm thấy khi nào ông ăn mặc chỉn chu, chải chuốt bóng lộn cho vẻ bề ngoài, trông ông lúc nào bình dị như một gã nông dân chính hiệu với trang phục xuề xòa, thích hút điếu cày và luôn sẵn sàng trò chuyện với bất cứ vị khách nào.
Cũng ít ai ngờ được phòng làm việc của vị đại gia sở hữu hàng nghìn tỷ đồng lại chỉ rộng 20m2, đồ đạc giản dị. Một bộ ấm chén, một bình chè tươi, cánh cửa lúc nào cũng rộng mở và khách là bất cứ ai đến sàn, không cần hẹn trước.
Nếu ông Thản ở Hà Nội, thì căn phòng lúc nào cũng chật kín khách. Từ đối tác làm ăn, tới báo chí và có lẽ đông nhất là khách hàng.
Bất cứ vấn đề gì khi khách hỏi, ông cũng mỉm cười “mua nhà thì hỏi tôi, tôi bán”. Ít có ông chủ doanh nghiệp nào lại trực tiếp bán từng căn hộ cho khách hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững