Thị trường

Đại gia Trầm Bê tiếp tục phạm luật?

Báo cáo quản trị 6 NH Phương Nam cho biết, gia đình đại gia Trầm Bê vẫn sở hữu lượng lớn cổ phiếu và chi phối đến ngân hàng.

Trong đó, ông Trầm Bê tiếp tục là cổ đông cá nhân lớn nhất khi nắm 8,36% vốn. Con gái ông - Trầm Thuyết Kiều - người đang là Phó tổng giám đốc Southern Bank cũng sở hữu 7,36% cổ phần.

Trong khi đó, theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng.
 
Trầm Trọng Ngân, con trai cả của đại gia Trầm Bê, đang nắm 4,42% cổ phần của Southern Bank. Ông Ngân hiện giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Southern Bank.
 
Như vậy, tổng số cổ phiếu của đại gia đình Trầm Bê đang nắm chiếm hơn một phần năm ngân hàng trong khi theo quy định, cổ đông và người có liên quan không được sở hữu vượt 20% vốn của một tổ chức tín dụng. Cơ cấu sở hữu của các cổ đông lớn tại Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) trong nửa đầu năm hầu như không có thay đổi so với cuối năm 2013.
 
Gia đình ông Trầm Bê hiện đang giữ hơn 20% vốn tại ngân hàng Phương Nam. Hàng dưới từ trái sang: Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều, Trầm Khải Hòa.
 
Về vấn đề này, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sỹ Kiêm từng nêu quan điểm, việc gia đình ông Trầm Bê hiện đang nắm giữ hơn 20% vốn tại ngân hàng, chiếu theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 cổ đông và những người có liên quan không được sở hữu vượt 20% vốn của các tổ chức tín dụng là vi phạm pháp luật.
 
Ông Cao Sỹ Kiêm đề xuất, Ngân hàng nhà nước phải vào cuộc, đặc biệt là Tổ chức quản lý tín dụng, thanh tra phải xác minh có thể phải điều chỉnh cổ phần cho các cổ đông khác hoặc bán lại cho các cổ đông khác.
 
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, NHNN cần phải chấn chỉnh, xử phạt và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thoái phần vốn vượt quá giới hạn sở hữu cho phép.
 
Để giải quyết vấn đề này, TS Đinh Tuấn Minh - thành viên nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô, Ủy ban kinh tế Quốc hội đề xuất 2 phương án: cổ đông phải bán, chuyển nhượng bớt cổ phần hoặc ngân hàng phải tăng vốn điều lệ, qua đó giảm tỉ lệ nắm giữ của cổ đông tại ngân hàng xuống.
 
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, nếu ép bán, chuyển nhượng cổ phần thì họ sẽ chuyển sang một hình thức khác không đưa đến một kết quả như mong đợi mà cần những cách thức tiếp cận khác như thúc đẩy cổ phần hóa, bán cho nước ngoài.
 
"Nên đặt ra lộ trình nhất định để họ thoái bớt vốn chủ sở hữu hoặc tăng vốn điều lệ, tìm cổ đông mới thì tỉ lệ cổ phần giảm và không rơi vào trường hợp sở hữu chồng chéo, cá nhân doanh nghiệp sở hữu hoặc họ hàng con cháu sở hữu và các hình thức khác che đậy", TS Minh nói.
 
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, việc sở hữu cổ phiếu "vượt trần" của gia đình ông Trầm Bê tại Southern Bank không phải trường hợp duy nhất. Thực tế vẫn còn 5 ngân hàng có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ, 5 đơn vị có tổ chức nắm quá tỷ lệ 15% vốn và 8 ngân hàng cổ phần mà nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt tỷ lệ 20%.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo